Ads (728x90)

Càng về cuối vụ hè thu giá các loại hoa màu trên địa bàn huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) càng tăng mạnh, một hecta hành lá lãi hơn 200 triệu đồng. Chia sẻ

Do nguồn cung cấp khan hiếm nên càng về cuối vụ hè thu giá các loại hoa màu trên địa bàn huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) tăng mạnh, nông dân phấn khởi vì đạt lợi nhuận cao, báo Đồng Tháp đưa tin .

So với cách đây gần một tháng giá các loại rau màu như: hẹ, hành lá, củ cải trắng đều tăng giá ở mức cao. Cụ thể, hành lá giá 20.000 đồng một kg (tăng 4.000 – 5.000 đồng một kg), củ cải trắng 6.000 đồng, hẹ 12.000 đồng (tăng khoảng 2.000 đồng một kg).

Theo một số hộ dân trồng hoa màu ở các xã cù lao của huyện Hồng Ngự thì giá hoa màu tăng cao như hiện nay là do thời tiết năm nay diễn biến bất thường, mưa nhiều, sâu bệnh tăng khiến năng suất bình quân giảm, đồng thời do các diện tích hoa màu đã xuống giống thu hoạch gần hết nên nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Các hộ dân cho biết với giá tăng cao như hiện tại, trung bình một ha hành lá nông dân thu lãi trên 200 triệu đồng, một ha củ cải trắng thu lãi gần 80 triệu và một ha dưa leo thu lợi nhuận gần 90 triệu đồng (nếu giá dưa leo ổn định 7.000 đồng một kg như hiện nay).

Trong vụ hè thu này nông dân toàn huyện Hồng Ngự xuống giống 1.400ha hoa màu các loại, hiện tại nông dân đã thu hoạch được khoảng 1.200ha, các diện tích còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm trong thời gian tới.

Dan phan khoi vi trong mot hecta hanh la lai hon 200 trieu dong - Anh 1

Nông dân huyện Hồng Ngự phấn khởi vì trồng hoa màu đạt lợi nhuận cao. Ảnh: Báo Đồng Tháp

Một số lưu ý trồng hành lá cho năng suất cao:

Hành lá có thể trồng trong chậu, bội, những đất trống quanh nhà hoặc thâm canh , xen vụ trên diện tích lớn.

Đất trồng hành lá không kén lắm, có thể trồng trên chân đất sét pha thịt, đất thịt, thịt pha cát,...Tuy nhiên, tốt nhất là trên đất thịt.

Giống

Hiện nay có 2 giống hành phổ biến: Giống hành gốc tím (hành sậy) và gốc trắng (hành hương). Hành gốc tím nông dân thích trồng hơn vì năng suất cao, ít sâu bệnh và ít đổ gãy lá hơn. Hành hương cọng và gốc nhỏ nhưng rất thơm.

Làm đất

Liếp trồng hành có thể rộng 1,2- 1,4 m, cao khoảng 20 - 40 cm, đất phải được làm tơi nhỏ, sạch cỏ dại. Mùa nắng liếp trồng có thể thấp khoảng 20-25 cm là đạt yêu cầu.

Mật độ và khoảng cách

Lượng giống cần cho 1000 m2 là: 300-400 kg (mùa mưa) và 400-500 kg (mùa nắng)

Khoảng cách hàng cách hàng: 20-30 cm. Khoảng cách cây cách cây: 20-25 cm. Mỗi hốc, 2 tép hành.

Rãnh giữa 2 liếp rộng: 20-30 cm.

Khoảng cách trồng còn tùy thuộc vào mùa vụ. Mùa nắng có thể trồng dày hơn mùa mưa.

Trồng cây

Trồng bằng cây gốc, chọn cây già, gốc to, không quá non mềm, lá cứng, có phấn trắng. Hành khi mua giống về đem trồng ngay, một liếp có thể cấy 4-5 hàng tùy theo độ rộng của mặt liếp. Cần phải rãi một lớp rơm mỏng lên mặt liếp trước khi trồng nhằm giữ ấm cho cây sau khi trồng, đặt biệt là mùa mưa. Nếu để giúp cây phát triển nhanh hơn thì dùng chày có đầu nhọn dọng lỗ với độ sâu 2-3cm rồi cấy hành lên.

Hành lá có thể được tận dụng trồng trong chậu , đặt xung quanh nhà.

Phân bón

Lượng phân cần bón cho cây tùy thuộc vào nhu cầu của cây, độ phì nhiêu của đất (tính cho 1.000 m2). Có thể tham khảo công thức phân bón như sau:

Bón lót (trước khi trồng): Tro trấu (đã ủ hoai): 200-300 kg, 10 kg DAP (hoặc 20kg Super lân)

Bón thúc: Có thể pha phân vào nước tưới

Đợt 1 (8 ngày sau khi trồng): 5kg DAP

Đợt 2 (16 ngày sau khi trồng): 10kg DAP

Đợt 3 (23 ngày sau khi trồng): 15kg DAP

Lưu ý: Nên ngưng tưới và phun phân bón trước thu hoạch ít nhất 7- 10 ngày.

Chăm sóc

Làm cỏ: Làm cỏ bằng tay để tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ với hành.

Tưới nước: Cây hành rất cần nước trong quá trình sinh trưởng cung cấp đủ nước cho cây 1 - 2 lần/ngày.

Sâu bệnh

Trồng hành rất sợ bệnh thán thư: Do đó có thể hạn chế bệnh này cần xử lý giống trước khi trồng bằng thuốc Roral, Anvil, Validacin, Ridomyl...

Sâu xanh, dòi đục lá có thể sử dụng Padan, Furadan rãi vào gốc hoặc phun theo liều hướng dẫn.

Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp:

Biện pháp canh tác:

Luân canh với cây trồng khác họ để cắt đứt cầu nối sâu bệnh giữa các vụ. Chọn giống sạch, nếu cần thiết nên nhúng lá hành giống vào dung dịch thuốc trừ bệnh Rovral để xử lý giống.

Mùa nắng trồng dày , mùa mưa trồng thưa 10- 15Cm. Bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali. Nên bón thêm phân chuồng hoai vào lần bón lót hoặc phân hữu cơ vi sinh. Hạn chế việc tưới Urê định kỳ bằng cách phun phân bón lá, phân bón sinh học.

Vệ sinh đồng ruộng: Làm sạch cỏ, tưới đầy đủ nước, tỉa bỏ lá già ,lá bị sâu bệnh.

Biện pháp vật lý- cơ học:

Làm đất phơi ải, xử lý vôi 100-200Kg/1công, tiêu diệt mầm móng sâu bệnh.

Lên liếp cao, thoát nước tốt, phủ rơm sạch để tránh mầm bệnh lây lan.

Biện pháp sinh học:

Hạn sử dụng thuốc trừ sâu để bảo tồn thiên địch, nhất là ong ký sinh, cóc, ếch, nhái . . .

Sử dụng các chế phẩm sinh học như AIM trừ dòi đục lá hành và thuốc điều hòa sinh trưởng như: Mimic, Atabron trừ sâu xanh da láng.

Thu hoạch

Hành trồng được 45-60 ngày là có thể thu hoạch. Nhưng có thể thu hoạch sớm hơn hoặc muộn hơn tùy theo thị trường và giá cả. Một công hành (1.000m2) có thể thu hoạch 4 tấn (mùa thuận - mùa nắng) và đạt 2 tấn (mùa nghịch). Ngưng phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch 20 ngày.

Đăng nhận xét