Takefusa Kubo dù rất tài năng nhưng ban huấn luyện U16 Nhật Bản vẫn cố gắng để cầu thủ này không mắc bệnh sao. Ảnh: Quang Thịnh.
Một lần nữa, chúng ta lại được thấy ý thức làm bóng đá rất chuyên nghiệp của người Nhật, họ hiểu được rằng, dù một cá nhân có tài năng đến đâu cũng phải biết hòa mình vào tập thể, vì bóng đá là môn thể thao đồng đội, và một điều quan trọng nữa, là các tài năng trẻ cần được đặt ở mặt đất thay vì tung lên quá cao.
Qua sự việc này, ít nhiều chúng ta lại nhớ đến Miura. Người đàn ông đến Việt Nam vào cái thời cực thịnh của mạng xã hội, vậy nên, nếu thành công ông sẽ được tung hô như một vị thần, nhưng thất bại thì sẽ chìm trong cơn mưa “gạch, đá”. Và như chúng ta đã biết, ông rơi vào vế thứ hai.
Nhiều người ghét ông Miura, ném đá ông không thương tiếc, cũng chưa hẳn là vì ông thua trong các trận đấu hay không giành được danh hiệu nào, vì thực ra đội tuyển dưới thời ông còn có vẻ xem được hơn vài năm trước. Nhưng vì ông không đoái hoài tới Tuấn Anh, Xuân Trường,... ông chỉ cho Công Phượng đá vài phút trong màu áo đội tuyển quốc gia, hay ông lại tỏ vẻ không vui khi bị hỏi quá nhiều về Công Phượng, về lứa trẻ HAGL, nên từ đó, người ta cho rằng ông không ưa, ông “trù dập” lứa trẻ cực kỳ xuất sắc trong lòng người hâm mộ, thế nên họ ghét ông.
Nhưng sự thật có phải như thế? Nếu chiếu theo những gì BHL U16 Nhật Bản làm với Takefusa Kubo, có thể thấy đó là cách những người Nhật bảo vệ tài năng của mình. Xuân Trường, Tuấn Anh khi đó chưa đủ thể lực để chiến đấu, Công Phượng chưa thể lên tuyển mà hợp hơn với U23 và thực sự anh là trụ cột ở đó chứ ông Miura không ghét bỏ gì. Còn những khi phỏng vấn, ông không nhắc tới họ vì những người trẻ sẽ không thể vững vàng khi được tâng bốc lên quá cao.
Vậy liệu có phải người hâm mộ có lỗi khi chính sự “ném đá” thái quá của họ đã tạo nên áp lực dư luận khủng khiếp, phần nào ảnh hưởng đến quyết định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Miura? Và qua đó cũng làm dự định “Nhật hóa” nền bóng đá rẽ sang hướng khác?
Không hẳn là như vậy, người hâm mộ không “phát cuồng” sao được, khi hơn 10 năm qua vẫn là một Lê Công Vinh trên hàng tiền đạo, không phải chê tiền đạo này kém, nhưng anh “cô đơn” như vậy chứng tỏ nền bóng đá không sản sinh ra tài năng. Người hâm mộ chờ đợi quá lâu vẫn không thấy có một Hồng Sơn hay Văn Quyến nào tiếp theo cả, và vì thế họ “cuồng” khi thấy lứa U19 HAGL. Họ đòi hỏi phải cho lứa trẻ này đá ngay tại các giải đấu lớn, họ phản ứng với HLV khi cho rằng ông coi thường những “con cưng” của họ, âu cũng là điều dễ hiểu.
HLV Toshiya Miura bị sa thải sau thất bại tại VCK U23 châu Á. Ảnh: Đình Viên.
Vậy nên, một nền bóng đá khan hiếm tài năng là nguyên nhân của tất cả. Liệu rằng với hàng loạt lò đào tạo trẻ như PVF. Viettel, HAGL, Hà Nội T&T,... nổi lên, cùng với sự quay trở lại của những “thế lực cũ” trong lĩnh vực này như SLNA, Đồng Tháp, có thể sản sinh ra nhiều tài năng cho bóng đá nước nhà và chấm dứt những nỗi bất hạnh như trường hợp của Miura? Rất mong là như vậy.
(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn . Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây .
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam
Đăng nhận xét