Trước khi diễn ra, cuộc so tài giữa Croatia và Bồ Đào Nha được mô tả là sẽ vô cùng hấp dẫn khi một hiện tượng thú vị đối đầu với những kẻ khao khát thể hiện mình. Nhưng than ôi, trong một phán xét nghiêm khắc, đây là trận đấu tồi tệ, tẻ nhạt chưa từng thấy.
Trong bóng đá, bàn thắng là quan trọng. Người ta có thể tha thứ cho một trận đấu ít bàn thắng, thậm chí không bàn thắng nếu như nó thật sự hấp dẫn và cuốn hút. Nhưng ở đây...
Những lời hứa bị lãng quên
... không giống như một trận đấu, nó là sự tra tấn, một sự lãng phí thời gian và quá nhàm chán để ai đó phải bận tâm hồi tưởng lại. Cả hai đội đã không chơi, mà chỉ cố gắng giữ an toàn cho mành lưới.
Ronaldo chỉ có 1 pha dứt điểm ở trận gặp Croatia.
Phút 25, một pha dứt điểm mới được thực hiện, là cú đánh đầu của Pepe. Thực tế là suốt 90 phút chính thức, cả hai chỉ tạo ra 11 cú sút, nhưng không một lần trúng đích. Phải đợi đến phút 117 điều đó mới diễn ra và pha đánh đầu của Quaresma sau đó đúng 1 giây đã kết thúc luôn trận đấu.
Để nhấn mạnh thêm, Ronaldo - người đã tung ra 32 cú dứt điểm ở vòng bảng đã chỉ có 1 cú sút duy nhất vào đêm thứ bảy. Điều trùng hợp, chính là cú sút trúng khung thành đầu tiên mà chúng ta vừa đề cập.
Những lời quảng cáo phô trương về một cuộc chạm trán hấp dẫn trở thành lố bịch và lời hứa về những thay đổi tích cực của HLV Bồ Đào Nha, Fernando Santos, đã bị chính ông ta ném vào sọt rác.
“Đây là trận knock-out”, Santos nói với ESPN trước trận đấu, “Chúng tôi không thể hòa (như vòng bảng). Chơi vì điểm và chơi để đi tiếp là rất khác nhau”. Nhưng sau đó, không ai nhận thấy sự khác biệt nào.
Croatia đã không bùng nổ như họ đã từng.
Vẫn là một Bồ Đào Nha thiếu tham vọng và khao khát. Họ đã chơi một chiến thuật đầy sợ hãi, rình rập và đi tiếp nhờ việc tận dụng tốt khoảnh khắc Croatia mạo hiểm đẩy lên phía trước. Cũng phải nói về đội bóng áo caro. Tại Lens, Modric cùng các đồng đội không có chút gì giống với những người từng đánh bại Tây Ban Nha vài ngày trước.
Thực dụng, thực dụng và thực dụng
Cho đến nay, đã có 73 bàn thắng được ghi, trung bình 1,87 bàn mỗi trận, mức thấp nhất kể từ năm 1992 (1,75). Điều đáng nói là chỉ 34% trong số đó diễn ra ở thời gian hiệp 1, trong khi 30% được thực hiện sau phút 75.
Nó nói lên rằng các đội ở Euro 2016 không thực sự nhập cuộc. Họ thận trọng, chờ đợi trong kiên nhẫn và chỉ thực sự tích cực vào khoảng thời gian cuối, khi nhận thấy đối phương có dấu hiệu mỏi mệt và mất tập trung.
Việc gia tăng số đội lên 24 và có thêm vòng 1/8 cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện một số lượng không ít các đội bóng được đánh giá yếu hơn. Lựa chọn phổ biến là thiết lập một đội hình thấp, tổ chức phòng ngự, hấp thụ các áp lực và chờ đợi phản công. Câu chuyện Leicester khuyến khích họ thực hiện các pha đánh chặn, gia tăng hoạt động ở trước hàng thủ hơn là mạo hiểm đẩy cao về phía trước rồi biến thành rổ đựng bóng.
Sợ hãi và thận trọng là cảm giác chung của các đội bóng.
Với các đội bóng lớn, thiếu sáng tạo là điểm nổi bật. Từ Tây Ban Nha, Italia, Anh đến Bồ Đào Nha hay Pháp đều không có nhiều giải pháp thể tháo dỡ kết cấu rắn chắc của phía bên kia, đồng thời cũng ít có khả năng tấn công áp đặt, tiến hành các pha vây hãm chất lượng với đầy đủ cường độ và tốc độ.
Vì vậy, tình huống cố định và phản công là phương thức chủ yếu để dẫn đến bàn thắng. Đến thời điểm này, theo Whocored, 30 pha lập công đến theo hai cách vừa nêu, chiếm 41% và chỉ 53% (39/73) là kết quả của các pha dàn xếp tấn công có chủ đích.
Với tình trạng này, càng vào sâu, tư tưởng thực dụng càng được đề cao và những trận kiểu Croatia-Bồ Đào Nha sẽ còn được nhân rộng.
Euro 2016 thay vì niềm hứng khởi, đang biến thành cái ngáp dài.
Các đội bóng lớn và chơi tấn công như Tây Ban Nha, Bỉ, Đức, Anh và Pháp lần lượt xếp thứ 4, 6, 9 ,10, 12 về trung bình việt vị mỗi trận. Lý do là các đối thủ của họ thường ở lại bên phần sân nhà và giữ khoảng cách rất ngắn giữa thủ môn và hàng phòng ngự. Do đó, cơ hội để việt vị là không cao.
Thanh Đình
Ảnh: Getty Images
Đăng nhận xét