Ads (728x90)

Thông tin về thanh lý xe công đang bị hiểu sai và không có chuyện 264 xe công được thanh lý, chỉ thu về 390 triệu đồng.

Thanh ly “264 xe cong, thu ve 390 trieu dong”: Bo Tai chinh noi gi? - Anh 1

Ảnh minh họa

Đó là khẳng định của ông Trần Đức Thắng – Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) khi trao đổi với báo điện tử Trí thức trẻ xung quanh thông tin “thanh lý 264 xe công, thu về 390 triệu đồng”.

Trước đó, trên một số báo chí có đăng tải thông tin từ Cục Quản lý công sản về việc quản lý xe công , trong đó có vấn đề thanh lý m ột lượng lớn xe công.

Theo đó, từ ngày 1/1-17/6/2016, các bộ ngành, cơ quan trung ương đã thực hiện thanh lý 264 xe ô tô công (tổng nguyên giá 79,68 tỷ đồng). Đồng thời, các cơ quan này điều chuyển 20 xe ô tô công cho các cơ quan, địa phương khác có nhu cầu.

Một con số đáng chú ý được đưa ra đó là, tổng số 264 xe ô tô công được thanh lý, thì báo cáo của Cục Quản lý công sản cho biết giá trị còn lại của những xe công này là 390 triệu đồng.

Điều này dẫn đến cách hiểu, cho rằng số lượng xe công được thanh lý lên tới trên 264 chiếc, nhưng giá trị thu về chỉ được 390 triệu đồng, tức là tương đương gần 1,5 triệu đồng/xe công thanh lý.

Thanh ly “264 xe cong, thu ve 390 trieu dong”: Bo Tai chinh noi gi? - Anh 2

Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính)

Thưa ông, thông tin thanh lý 264 xe công thu về 390 triệu đồng thực hư là thế nào?

Thông tin này không chuẩn. Vấn đề ở đây là chưa hiểu rõ được thế nào là nguyên giá, giá trị còn lại, với giá bán. Đó là ba giá khác nhau.

Nguyên giá là giá của tài sản đấy. Ví dụ khi mình mua xe ô tô có giá 700 triệu đồng, tức là nguyên giá, sau 10 – 15 năm sử dụng, hao mòn/khấu hao tài sản đi, còn lại bao nhiêu thì đó là giá trị còn lại.

Còn giá bán thì rõ ràng rồi. Muốn bán được tài sản nhà nước, kể cả tài sản đã hết hạn, hoặc giá trị bằng 0, khi thanh lý thì cũng phải bán đấu giá.

Muốn bán đấu giá thì phải định giá lại, dù là giá trị còn lại của tài sản đó bằng 0 thì mình cũng phải đưa ra, định giá lại và tổ chức đấu giá theo quy định tại Nghị định 17 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Tôi khẳng định không có chuyện bán thanh lý 264 xe công thu mà chỉ thu được 390 triệu đồng.

Vậy thực chất hiểu con số 390 triệu đồng trong chuyện thanh lý 264 xe công là gì?

Đó là giá trị còn lại. Như tôi đã phân tích, khi mua xe 700 triệu đồng, khấu hao 15 năm, mỗi năm là mấy chục triệu, thì giá trị còn lại là trên sổ sách kế toán của thời điểm hiện tại.

Không nhất thiết giá trị còn lại là bao nhiêu, thì đã là tài sản vẫn cứ bán được. Theo quy định thì mang ra định giá lại và bán thanh lý.

Đơn vị sử dụng tài sản sẽ trực tiếp thực hiện bán tài sản này chứ không phải là Cục Quản lý công sản quản lý tài sản. Chúng tôi chỉ là đơn vị quản lý chung, các cơ quan đơn vị báo cáo về là năm nay có tài sản này, từ đó chúng tôi đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

Ví dụ một cơ quan báo cáo năm nay chúng tôi có 2 xe thanh lý, giá trị tài sản như vậy, cái thì còn 0 đồng, hoặc mấy chục triệu đồng. Còn việc tổ chức thanh lý cụ thể ra sao là do chính đơn vị trực tiếp sử dụng và quản lý tài sản.

Hiện nay có vấn đề trong thanh lý tài sản công, như xe công là giá trị thực tế thu không cao. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Cao hay không là do thị trường, người ta bán đấu giá công khai minh bạch, ai cũng có thể mua. Giá đưa ra thì thường đã được định giá lại rồi.

Là cơ quan quản lý và kiểm soát tài sản công của quốc gia, Cục quản lý công sản có đưa ra những biện pháp nào để tránh làm lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước khi thực hiện thanh lý?

Vấn đề kiểm soát và quản lý chuyện bán đấu giá tài sản thì phải hỏi Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì trình Chính phủ về ban hành Nghị định 17 bán đấu giá tài sản.

Tính trên cả nước, 6 tháng đầu năm ô tô công tăng thêm 171 chiếc, trong đó mua mới 56 chiếc và nhận điều chuyển 115 chiếc. Dù vậy, tới nay vẫn còn 8/43 bộ ngành và 18/63 địa phương chưa có báo cáo về rà soát, sắp xếp xe ô tô công gửi Bộ Tài chính.

An Ngọc (thực hiện)

Theo Trí thức trẻ

Đăng nhận xét