Ads (728x90)

Bộ Công an cho rằng không đủ căn cứ khởi tố Công ty Thuận Phong về tội sản xuất phân bón giả. Trong khi đó, các bộ Tư pháp, KH&CN và Quốc phòng lại có quan điểm ngược lại.

Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, chiều 3-6, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại quốc gia (Ban 389) về vụ việc liên quan đến Công ty Phân bón Thuận Phong, Đồng Nai.

Ngoài các thành viên Ban chỉ đạo 389, cuộc họp còn có sự tham dự của đại diện VKSND Tối cao. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lắng nghe ý kiến, quan điểm của các bộ, ngành và thành viên Ban chỉ đạo 389 về vụ việc này.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã có quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty Thuận Phong. Quyết định này được đưa ra dựa trên chỉ đạo của Bộ Công an sau khi tiến hành điều tra vụ việc. “Qua quá trình điều tra, Bộ Công an nhận thấy những sai phạm của Công ty Thuận Phong không đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự, chỉ ở mức độ xử lý hành chính. Bộ Công an giao Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp VKSND tỉnh Đồng Nai báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh xử lý vi phạm của Công ty Thuận Phong theo đúng quy định” - Bộ Công an cho biết.

Lam phan bon gia, sao khong khoi to? - Anh 1

Ngày 20-5, các cơ quan chức năng đã mở niêm phong kho hàng của Công ty Thuận Phong. Ảnh: TIẾN DŨNG

Tuy nhiên, theo báo cáo của tổ công tác liên ngành, Văn phòng thường trực Ban 389 quốc gia, có đủ căn cứ để khởi tố Công ty Thuận Phong về tội sản xuất, buôn bán phân bón giả với phạm vi hoạt động trên nhiều tỉnh, TP...

Mới đây, Bộ Tư pháp cũng đã có ý kiến bằng văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu quan điểm: Việc Công ty Thuận Phong gắn nhãn gốc bằng tiếng Anh, nhãn phụ bằng tiếng Việt ghi rõ phân Mỹ nhập khẩu lên các sản phẩm chai phân bón 1 lít là hành vi sản xuất hàng giả, thuộc trường hợp số lượng lớn có dấu hiệu cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999.

Bộ Tư pháp cũng cho rằng qua hồ sơ vụ việc phản ánh thì hành vi sang chiết từ bồn nhựa có dung tích 1.000 lít vào chai 1 lít, đóng chai dán nhãn chính bằng tiếng Anh, tem nhãn phụ tiếng Việt vào sản phẩm phân bón nhập khẩu của Công ty Thuận Phong là hành vi kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có dấu hiệu cấu thành tội kinh doanh trái phép tại Điều 159 BLHS năm 1999.

Bộ Tư pháp cũng lưu ý dù BLHS năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) không tiếp tục quy định tội danh kinh doanh trái phép nhưng theo Nghị quyết số 109/2013 của Quốc hội về thi hành BLHS thì từ ngày 1-7-2016, hành vi kinh doanh trái phép theo BLHS năm 1999 xảy ra trước 0 giờ ngày 1-7-2016 mà sau ngày này vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của BLHS 1999.

Cùng quan điểm, Bộ KH&CN cho rằng Công ty Thuận Phong đóng chai dán nhãn chính bằng tiếng Anh là nhãn gốc nhập khẩu từ Mỹ, dán nhãn phụ bằng tiếng Việt là hành vi giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác, giả mạo nơi sản xuất đóng gói hàng hóa. Theo quy định tại Nghị định số 185/2013 của Chính phủ, hàng hóa có nhãn vi phạm như trên là hàng giả. Bộ Quốc phòng cũng có quan điểm tương tự.

Phát biểu tại một cuộc họp mới đây của Ban 389, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết cơ quan công an đã điều tra rất kỹ lưỡng, cẩn trọng và kết luận không khởi tố hình sự Công ty Thuận Phong.

Theo ông Vương, cơ quan công an đã mất gần một năm để điều tra. Công an tỉnh Đồng Nai, VKSND tỉnh Đồng Nai và Bộ Công an đã làm đi làm lại nhiều lần. “Rất may là không khởi tố, nếu không lại giống như vụ quán Xin Chào. Người ta sản xuất phân bón có nguồn gốc rõ ràng. Bộ Công an sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của bộ, ngành, dư luận về vụ này” - Thứ trưởng Vương nói.

TRÀ PHƯƠNG

Đăng nhận xét