Kỳ 1: Sự trở về của những cựu binh sau cuộc chiến tàn khốc
Buổi sáng nắng hè oi ả cuối tháng 5, mấy cựu binh bày hoa quả, đồ ăn, thuốc lá… trên đài hương ở điểm cao 468. Những gương mặt già nua còn sống sót trở về trong cuộc tử chiến 30 năm trước. Người lính già ôm mặt bật khóc nức nở: “Đồng đội ơi, mọi người đâu hết cả rồi?”.
Phần lớn những người đã ngã xuống là lính trẻ, có người tuổi chưa quá 20, có người mới chỉ tham gia trận đánh đầu đời đã không trở về, có người chết trong bệnh xá tiền tuyến, có những người đã nằm lại rải rác trên các mỏm đồi, chóp núi, hay dưới khe sâu trước lúc bình minh lên…
Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc Vị Xuyên, Hà Giang đã trôi qua hơn 30 năm, nhưng với không ít người, nó vẫn còn đó, nguyên vẹn, day dứt, ám ảnh như vừa mới ngày nào. Một ngày cuối tháng 5/2016, những thương binh tóc hoa râm đã lên quyết tâm tìm về chiến trường xưa – cao điểm 685 (Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang), nơi từng được mệnh danh là Lò vôi thế kỷ.
Nó mang cái tên đó cũng bởi, hồi ấy chiến tranh ác liệt quá, cao điểm này hứng chịu hàng chục ngàn tấn đạn pháo. Đạn pháo khiến cao điểm bị hạ thấp độ cao, cây cối chỉ trong mấy ngày đã bị gọt trụi. Cả một ngọn núi sừng sững trở nên trắng xóa, đất đá bị nung nóng cả ngàn độ, có phiến đá mới động nhẹ vào đã vỡ ra như cám. Gọi nó là Lò vôi thế kỷ cũng không có gì là quá đáng.
Đài hương trên điểm cao 468, nhìn từ Lò vôi thế kỷ
Đồng đội của họ, đã cùng nằm lại miền đá tai mèo Hà Giang trong những trận quyết chiến với quân bành trướng Trung Quốc trên các cao điểm, vì nhiều lý do, mà nhất là việc trên ấy còn đầy rẫy bom mìn gài lại, địa hình quá cheo leo hiểm trở, nên vẫn hiu quạnh, chưa một người thăm viếng, chưa một nén nhang của người còn sống.
Chiếc xe Ford Everest khởi hành từ Hà Nội lúc trời còn tranh tối tranh sáng, xuyên Quốc lộ 2 thẳng lên Hà Giang. Trên xe có 3 người lính cũ của Trung đoàn 876, Sư đoàn 356: lính thông tin Phạm Xuân Thanh, lính cối Phạm Ngọc Quyền, lính công binh Lê Hồng Mai, và vô số đồ lễ đã chuẩn bị sẵn, cùng những người khác đang chờ họ trên Vị Xuyên. Đêm trước chẳng ai ngủ được, người nào cũng bồn chồn, nôn nóng được trở lại chiến trường cũ, được gặp lại đồng đội, cho dù giờ họ đã là người của hai thế giới khác nhau.
Các cựu binh trên điểm cao 685 - Lò vôi thế kỷ. 32 năm, họ mới được quay trở lại chiến trường xưa
Chuyến đi này xuất phát từ một lần PV VTC News chứng kiến cuộc gặp gỡ của những cựu binh sư đoàn 356, đơn vị chủ lực trong cuộc chiến ở điểm cao 772 và ở Lò vôi thế kỷ - điểm cao 685, 30 năm trước. Họ ôm chầm lấy nhau bật khóc nức nở. Bên cạnh những kỷ niệm chiến trường, họ hỏi nhau về những người đồng đội của mình, ngã xuống như thế nào, đã được quy tập về chưa? Họ mong ước một lần được tìm về chiến địa cũ, nếu không kiếp này chắc họ không bao giờ được thanh thản.
Họ bảo, nhất quyết phải một lần đưa được phóng viên lên lại chiến trường cũ, dù là rất nguy hiểm, nhưng để chứng thực được cuộc chiến năm xưa gian khổ, khốc liệt đến nhường nào.
Nhiều người hiện chưa về được với anh em đồng đội theo diện quy tập. Xương cốt đã hòa tan, vĩnh viễn ở lại nơi rừng cao núi thẳm, với mảnh đất biên cương, địa đầu Tổ quốc.
Cựu binh Phạm Ngọc Quyền luôn đau đáu một nỗi niềm được tìm lại những đồng đội năm xưa của mình
Dấu tích của cuộc chiến tàn khốc
Ở Vị Xuyên, những địa danh như đồi Đài, đồi Cô Ích, hang Làng Lò, thác Âm Phủ, 772, Lò vôi thế kỷ… đã ăn vào nỗi nhớ, sự ám ảnh, đi theo suốt cả đời người đối với những cựu binh trở về sau cuộc chiến. Các trận đánh trên 772 và 685 cùng một số điểm cao khác đã trở thành nỗi khiếp sợ của quân Trung Quốc trước sự gạn dạ, kiên cường bảo vệ lãnh thổ của những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đường vào Thanh Thủy biết bao là chuyện. Nhưng chủ yếu vẫn là chuyện chiến trường, chuyện đạn pháo cày xới ngày đêm, chuyện ăn ngủ, vệ sinh… chỉ ở 1 chỗ của các chiến sĩ, chuyện những người còn sống khi trở về đã râu tóc tua tủa, cả tháng không tắm, y như người rừng…
Trong các trận đánh với quân bành trướng Trung Quốc ở biên giới phía bắc năm 1985, ta đã giành lại được một số chốt, hình thành thế phòng ngự xen kẽ, bám sát địch ở đồi Chuối, đồi Cô X, đồi Đài, A4, A21, khu Cót Ép, khu C và mỏm E2, E3, E5 của 685. Có nơi chỉ cách địch 15-20m. Cá biệt ở Bốn hầm, chốt của ta và địch chỉ cách nhau 6-8m.
Một cựu binh khẳng định, hồi đấy lính hai bên chỉ cần ban ngày ló mặt ra ngoài vài giây là trở thành liệt sĩ.
Cựu binh Phạm Xuân Thanh tại vị trí có căn hầm mà năm xưa ông chốt giữ
Cựu binh Phạm Xuân Thanh chốt giữ trên điểm cao 685 cũng một lần suýt thành… liệt sĩ. Ông bảo, một lần mò lên mỏm E5 của 685, nghe bảo lúc ấy đang bắn nhau ghê lắm, mới tò mò ngoi đầu lên khỏi hầm ngó thử trận địa. Chưa kịp nhìn thấy cái gì, ngay tức khắc đã bị người đồng đội nắm lấy cạp quần giật ngược trở lại, ngã bổ chửng. Liền sau đó, 1 quả đạn bắn vèo vào vách đá, vỡ tung tóe, ông mới hoàn hồn biết mình thoát chết. Những lần sau ông Thanh không bao giờ dám liều mạng như thế nữa.
Phải mãi đến cuối năm 1988, quân Trung Quốc mới ngừng bắn pháo vào Vị Xuyên, nơi chưa hề có một ngày im tiếng pháo kể từ năm 1984. Từ năm 1989, địch giảm bắn pháo và rút khỏi một số điểm ở phía Bắc suối Thanh Thủy.
Đứng trước cửa hang Làng Lò, cựu binh Phạm Ngọc Quyền cùng đồng đội cứ bần thần chảy nước mắt. Xưa kia, hang Làng Lò vốn được coi như “đô thị” của mặt trận Vị Xuyên, nơi mà có thể chứa cả một trung đoàn.
Phía trước là những ngọn núi cao chất ngất, đã phủ một màu xanh ngắt, không dễ nhận ra cuộc chiến khốc liệt năm xưa. 30 năm trước, rất nhiều chiến sĩ đã từ hang Làng Lò xuất phát tiến vào giành giật những cao điểm, những bình độ nơi biên cương Tổ quốc với một tinh thần quyết tử, trước sự xâm lăng của quân Trung Quốc.
Ông Thanh, ông Quyền, ông Mai… và những người còn sống trở về tóc đã bắt đầu bạc. Còn đồng đội vẫn nằm dưới những rặng cây xanh ngắt kia mãi mãi vẫn 20 tuổi.
Còn tiếp…
Hải Minh – Lê Hồng
Đăng nhận xét