Ads (728x90)

Việc này cho thấy không khí cởi mở, dân chủ hơn và việc giám sát kết quả kiểm phiếu sẽ được thực hiện nghiêm túc, công bằng, minh bạch hơn.

Bao chi va ung cu vien duoc chung kien viec kiem phieu - Anh 1

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia trả lời câu hỏi của PV tại họp báo

* Có 8 ứng cử viên ĐBQH rút tên vào phút chót

Điểm mới trong cuộc bầu cử lần này được thể hiện trong Điều 73 của Luật bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND là người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu.

Thông tin này, một lần nữa được các ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia và ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia khẳng định vào chiều 20/5 tại cuộc họp báo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết việc bầu hộ, bầu thay có vi phạm pháp luật không, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, việc đi bầu cử thay là không đúng pháp luật nên tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý.

Trước thắc mắc về việc danh sách người ứng cử sau hiệp thương lần 3 là 879 người nhưng con số do Hội đồng bầu cử quốc gia công bố là 870, ông Trần Văn Túy – Trưởng Ban công tác đại biểu cho biết, theo quy trình Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chuyển danh sách sang Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng chính thức là 878 người.

Có một trường hợp ở Hà Nam và 7 trường hợp ở Cà Mau sau vòng 3 đã tự nguyện đề nghị rút tên khỏi danh sách nên danh sách 870 người được Hội đồng bầu cử quốc gia công bố là chính thức.

Trả lời câu hỏi của PV NNVN rằng, trước cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII, hội đồng bầu cử quốc gia đã tạm gác lại việc xem xét một ứng cử viên có “vấn đề” và đến khi nhiệm kỳ sắp kết thúc, Quốc hội mới bãi nhiệm được vị ĐBQH đó. Xin hỏi, trước thềm bầu cử Quốc hội khóa XIV, có ứng cử viên nào phải tạm gác việc xem xét như trước đây từng diễn ra không?

Ông Trần Văn Túy trả lời rằng: “Tất cả 870 người ứng cử đều đủ tiêu chuẩn tham gia ứng cử; quá trình vận động bầu cử rất công khai, minh bạch và chưa thấy có phản ánh của cử tri và nhân dân về các ứng cử viên. Hãy tin tưởng sự sàng lọc và quy trình chặt chẽ của Ủy ban bầu cử các cấp và Hội đồng bầu cử quốc gia”.

Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh thêm: “Không có sự phân biệt, khoảng cách giữa những người có chức, có quyền với những người không đảm nhiệm chức vụ hoặc người tự ứng cử”.

Cũng theo ông Phúc, tổng số Tổ bầu cử trong cả nước đến thời điểm hiện nay là 91.476 Tổ với tổng số cử tri 69.265.810 người. Hiện nay, các Tổ bầu cử đã tiến hành xong việc cấp phát thẻ cử tri.

Thời gian vận động bầu cử của những người ứng cử sẽ kết thúc trước 7h ngày 21/5. Ngoài các điểm bầu cử được tổ chức bầu cử sớm hơn thì việc tiến hành bỏ phiếu trong ngày 22/5 sẽ bắt đầu từ 7h và kết thúc lúc 19h cùng ngày.

Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21h cùng ngày.

Đăng nhận xét