-
Bài 1: Chuyện bảo vệ an ninh cho ông Obama ở quán bún chả
Tối 23/5, sau các hoạt động chính thức của ông Obama ở Hà Nội, Thiếu tướng Lương Văn Khang cùng Thứ trưởng Bùi Văn Nam đáp ngay chuyến bay vào TP.HCM để tham gia chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh các hoạt động ngày hôm sau của Tổng thống Mỹ tại đây.
Trong các hoạt động chính thức, đi thăm chùa Ngọc Hoàng là sự kiện ngoài trời được lực lượng an ninh của cả phía ta và phía bạn dành nhiều công sức nhất.
Khu vực cổng chùa Ngọc Hoàng đông kín người khi đoàn xe Tổng thống Obama đi tới
Bài toán an ninh cần xử lý, đó là làm sao khẩn trương đưa được phương tiện ra để làm hàng rào bảo vệ cho Tổng thống Mỹ bởi đường Mai Thị Lựu (quận 1) nơi có ngôi chùa Ngọc Hoàng là tuyến phố rất hẹp, cư dân buôn bán đông đúc.
Dù chủ động về kế hoạch sự kiện nhưng với lực lượng an ninh của ta, đảm bảo an ninh cho Tổng thống Mỹ trong không gian tuyến phố như vậy cũng phải dự trù nhiều tình huống kịch tính phát sinh.
Từ tin tức trên báo chí, người dân biết trước Tổng thống Mỹ sẽ đến đây nên rất đông người đã đổ về khu vực quanh đường Mai Thị Lựu.
Hàng nghìn người đứng chật bên đường nên việc lập hàng rào bảo vệ phải đảm bảo người dân chỉ đứng sát trên vỉa hè quan sát, không tràn xuống lòng đường.
"Trong khoảng 30 phút, tôi yêu cầu Công an TP.HCM điều động 100 chiến sĩ, bên cạnh lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tại hiện trường; cảnh sát khu vực phường, kể cả công an đặc nhiệm… huy động hàng trăm hàng rào, sử dụng lực lượng tình nguyện viên của khu phố vận động, đưa bà con đứng sát vào hè đường. Hàng rào lúc đó sẽ được đặt sát vào lề đường để bà con đứng trật tự", Thiếu tướng Khang cho hay.
Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ cũng chia sẻ, chiều 24/5, lượng người dân đổ ra đường bám quanh các trục đường dẫn về ngôi chùa rất lớn, đông đặc. Nhưng công tác bảo đảm an ninh cho Tổng thống Mỹ vẫn trọn vẹn, không có bất cứ tình huống khó kiểm soát nào.
Chuyện cô sinh viên tặng áo "Save Son Đoong"
Một tình huống ngẫu nhiên diễn ra trong buổi giao lưu với các thủ lĩnh trẻ ở TP.HCM, đó là một bạn nữ muốn tặng Tổng thống Mỹ chiếc áo phông in dòng chữ “Save Son Đoong”.
Thiếu tướng Lương Văn Khang
Bình thường, những người vào tham dự đều được yêu cầu đi người không; ai muốn ghi chép thì mang vào quyển sổ, cây bút, thậm chí cũng phải chứng minh đó là cây bút dùng để viết chứ không có chức năng nào khác. Các phương tiện máy chiếu, máy soi kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ. Tương tự, chiếc áo của cô sinh viên mang làm quà cho ông Obama cũng vậy.
Thiếu tướng Khang kể, bạn sinh viên đã rất chủ động trình bày với lực lượng an ninh là cô ấy sẽ đặt câu hỏi với Tổng thống Mỹ và sẽ tặng ông ấy chiếc áo phông có in dòng chữ “Save Son Đoong” đó.
"Chiếc áo mà bạn trẻ đó mang vào là hình ảnh rất tuyệt vời, thứ hai, nó gắn với câu chuyện là bạn trẻ ấy sẽ hỏi Tổng thống Mỹ về câu chuyện có gắn với chiếc áo đó, nên chúng tôi tạo điều kiện và không ngăn cấm", ông Khang vui vẻ kể.
Kiểm soát an ninh trước hàng nghìn điện thoại
Một điểm cũng rất đáng lưu ý là những chiếc điện thoại cầm tay. Người dân, các bạn trẻ vì tò mò, háo hức nên rất thích selfie, chụp ảnh, quay clip mọi hình ảnh Tổng thống Mỹ nếu được chứng kiến. Đó là những vật dụng cá nhân nên không thể kiểm soát được.
"Nhưng tất cả dọc tuyến đường lực lượng làm nhiệm vụ đều đứng dày đặc, chúng tôi đều chủ động kiểm soát được tình hình.
Chụp ảnh, quay phim đều có người quan sát; bất kỳ hành động nào đều không qua được mắt lực lượng an ninh; thậm chí công tác làm sạch đường phố, rà bom mìn, vật gây nổ cũng đã được thực hiện trước đó", ông Khang kể.
Kiên Trung
Tiếp: Vì sao dân chịu đóng cửa sổ khi ông Obama đi qua?
Đăng nhận xét