Ads (728x90)

Biên giới Senegal và Gambia trở thành trục xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc.

Trong vòng hai năm nữa, rừng có nguy cơ biến mất ở vùng Casamance (miền Nam Senegal) do nạn phá rừng lấy gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhà hoạt động môi trường Haidar El Ali cảnh báo như trên tại cuộc họp báo ở Dakar (thủ đô Senegal) hôm 26-5.

Ghi hình bọn buôn gỗ

Ông Haidar El Ali trước đây là bộ trưởng Môi trường Senegal, nay phụ trách tổ chức phi chính phủ Oceánium (chuyên bảo vệ môi trường). AFP đưa tin tại cuộc họp báo, ông đã giới thiệu nhiều tài liệu hình ảnh, băng ghi hình và biểu đồ thể hiện tình hình nhập khẩu gỗ từ châu Phi theo số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc.

Ông khẳng định nạn phá rừng ở Casamance đã đạt đến mức không tưởng tượng. Từ năm 2010 đến nay hơn một triệu cây rừng đã bị đốn hạ. Bọn khai thác trái phép từ Gambia sang Casamance chặt hạ gỗ rồi xuất khẩu gỗ cho Trung Quốc.

Để thu thập bằng chứng, ông đã sử dụng máy bay không người lái quay phim. Máy bay bay ở độ cao 50 m trên chợ Saré-Bodjo (Gambia) cách biên giới Senegal 1 km ghi nhận hoạt động buôn gỗ. Hình ảnh cho thấy hàng ngàn khúc gỗ xếp sẵn chuẩn bị đưa lên các xe tải. Nhiều xe tải chờ “ăn hàng” bên các lán trại lớn. Nhân công ràng buộc gỗ cẩn thận trên xe rồi phủ bạt lên.

Gỗ sẽ được chở về thủ đô Banjul bán cho con buôn Trung Quốc. Đây là gỗ tròn bị đốn trái phép tại tỉnh Medina Yoro-Foula (vùng Casamance) bên Senegal. Sau đó, ngựa hay lừa chuyển gỗ qua biên giới đến chợ Saré-Bodjo.

Cách đây vài tuần, ông Haidar El Ali đã gửi băng ghi hình phá rừng cho Tổng thống Macky Sall. Sau đó quân đội Senegal đã cử một toán binh sĩ đến khu vực biên giới kiểm tra rồi cuối cùng rút về thay vì bố trí tổ tuần tra cơ động.

Trung Quoc ‘tham sat’ rung - Anh 1

Ông Haidar El Ali (ảnh nhỏ) và hình ảnh bãi gỗ ở chợ Saré-Bodjo (Gambia).

Lợi nhuận làm mờ mắt

Theo luật lâm sản Senegal, gỗ hương (pterocarpus erinaceus) thuộc danh mục cần được bảo vệ và bị cấm xuất khẩu từ năm 1998. Trong khi đó, Gambia chỉ cho Westwood là doanh nghiệp duy nhất xuất khẩu gỗ. Như vậy rõ ràng bãi gỗ ở Saré-Bodjo là gỗ lậu.

Nhà hoạt động môi trường Haidar El Ali đã phát hiện năm điểm tập kết gỗ dọc biên giới Senegal, trong đó có Saré-Bodjo. Ông tố cáo chính phủ Senegal không bố trí phương tiện theo dõi phá rừng ở tỉnh Medina Yoro-Foula trong khi người Trung Quốc ở Gambia ngang nhiên hoành hành qua biên giới.

Ông khẳng định nạn buôn lậu gỗ rừng bùng phát ở Gambia từ năm 2010 và trong này có bàn tay đồng lõa của các cán bộ ở Gambia và Senegal tiếp tay với bọn mafia Trung Quốc.

Nạn buôn lậu gỗ mang lại nguồn thu quá sộp đến mức kiều dân Senegal từ châu Âu cũng trở về nước để phá rừng. Ước tính bọn phá rừng ở Casamance đã bỏ túi hơn 213 triệu euro.

Phá rừng tác động không thể hồi phục đến độ phì của đất, đồng thời ảnh hưởng nặng nề đến nông nghiệp và du lịch trong khi Casamance lại là một trong những vùng nghèo nhất Senegal.

Tháng 4 vừa qua, Bộ Môi trường Senegal đã cử một tổ làm nhiệm vụ nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên ở Casamance. Tổ công tác bị bắt tại Gambia trong lúc đang chụp ảnh gỗ rừng bị chặt hạ. Sau 48 tiếng họ mới được thả ra. Tình hình mất an ninh cũng gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng. Tại Casamance, phe ly khai “Phong trào Các lực lượng dân chủ Casamance” đã hoạt động từ năm 1982.

Gỗ xuất khẩu từ Tây Phi

Báo Le Monde ghi nhận người Trung Quốc chạy đua giành đất nông nghiệp ở các nước châu Phi từ năm 2012. Tuy nhiên, ngoài đất trồng trọt, họ còn chú ý đến gỗ.

Đài truyền hình Francetv info ghi nhận trên toàn Tây Phi đều có nạn buôn lậu gỗ. Đây là địa bàn cung cấp gỗ chủ yếu cho dân buôn lậu Trung Quốc sau khi rừng châu Á bị khai thác cạn kiệt gỗ đỏ.

Gỗ là nguyên liệu thứ ba được nhập khẩu vào Trung Quốc. Theo hải quan Trung Quốc, năm ngoái hơn 50% gỗ đỏ nhập khẩu vào Trung Quốc có nguồn gốc từ châu Phi, trong đó có 3/4 đến từ Tây Phi. Gambia dù không có rừng nhưng chỉ chịu đứng sau Nigeria trong danh sách xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc.

Hiện nay 75% khối lượng gỗ ở châu Phi thuộc về người Trung Quốc. Gỗ từ Gambia xuất khẩu sang Trung Quốc để phục vụ cho nhu cầu đồ gỗ nội thất cao cấp. Trung Quốc nhập khẩu gỗ thô rồi chế biến và xuất khẩu phần lớn thành phẩm sang châu Âu.

Hồi tháng 3, tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) đã công bố kết quả điều tra cho thấy phần lớn rừng châu Phi đang bị khai thác trái phép, đặc biệt tại Cameroon, CHDC Congo, Gabon, Mozambique. Trong giai đoạn năm 2000-2013, gần 9 triệu ha rừng biến mất.

Gabon là một trong những nước xuất khẩu gỗ quý hiếm Kevazingo sang Trung Quốc với gần 18.000 m 3 mỗi năm. 1 m 3 gỗ này đến Trung Quốc có giá 1.500-3.000 euro. Tại Mozambique, 90% sản lượng gỗ được xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có phân nửa là gỗ lậu. Góp sức cho nạn xuất khẩu gỗ là một hệ thống tham nhũng ở mọi tầng lớp chính quyền.

Tổ chức Hòa bình xanh đặc biệt lưu ý đến Cameroon và CHDC Congo. Lưu vực Congo với hơn 250 triệu ha rừng là diện tích rừng lớn thứ hai thế giới, nuôi sống hơn 75 triệu người cùng nhiều loài động vật đang bị đe dọa như khỉ đột, tinh tinh. Tại Trung Quốc, trong 300 doanh nghiệp nhập khẩu gỗ châu Phi có khoảng 30 doanh nghiệp nhập khẩu 80% khối lượng gỗ. Trong số này chủ yếu là các doanh ghiệp ở bốn tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang, Thượng Hải và Giang Tô. Bến cảng ở thị xã Trương Gia Cảng (tỉnh Giang Tô) là nơi chủ yếu nhập khẩu gỗ châu Phi.

DẠ THẢO

Đăng nhận xét