Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc người Trung Quốc (TQ) đến Việt Nam làm ăn, đầu tư, tìm việc làm cũng là một trong những hệ quả. Tuy vậy, nếu đến mức như việc “khuynh đảo du lịch Nha Trang” (báo Pháp Luật TP.HCM ngày 27-5 và 28-5 đã phản ánh) thì là điều cần xem xét lại về công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý đầu tư kinh doanh, cũng như một số vấn đề khác.
Theo các bài viết, các hãng lữ hành TQ thường đưa khách đến Việt Nam vào ban đêm, ít nhất mỗi chuyến lên tới 150 người. “Việc làm thủ tục xuất nhập cảnh thường bị dồn ứ nên cơ quan xuất nhập cảnh giữ hộ chiếu một ngày. Vì thế phần lớn du khách TQ đăng ký lưu trú tại các khách sạn bằng danh sách do Cục Quản lý xuất nhập cảnh phê duyệt mà chưa có số hiệu thị thực”. Lẽ ra dù khách có đông đến bao nhiêu đi nữa thì mọi thủ tục cứ phải làm đúng quy trình. Điều này không phải là làm khó du khách mà là do điều kiện khách quan (khách đến đông cùng một lúc). Nếu thực hiện nghiêm quy định xuất nhập cảnh thì chắc chắn du khách TQ trá hình sẽ khó lòng sử dụng những giấy tờ tạm thời được cấp để làm những chuyện khác.
Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng ở TP Nha Trang chuyên phục vụ du khách Trung Quốc. Ảnh: TẤN LỘC
Bài báo cũng thuật lời Đại tá Trần Nhân Nghĩa, Trưởng phòng An ninh kinh tế Khánh Hòa, rằng: “Hiện có nhiều khách sạn, nhà hàng trên danh nghĩa người Việt Nam đứng tên nhưng thực tế do người TQ điều hành”. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Do người dân chấp nhận để người ta lợi dụng, hay công tác tuyên truyền và nắm tình hình an ninh kinh tế còn nhiều bất cập? Chúng ta đã làm gì để quản lý những người TQ sang đây lao động chui trong các nhà hàng, khách sạn? Có lẽ phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Khi cơ quan chức năng đã biết có việc người TQ kinh doanh nhưng không lập công ty, doanh nghiệp (DN), không khai báo nghĩa là đã có dấu hiệu hoặc chứng cứ mới có thể đưa ra nhận định. Nếu đã có chứng cứ rõ ràng để nói điều đó thì hẳn cũng có cơ sở để xem xét, xử lý hành vi này. Còn nếu luật và các văn bản hướng dẫn còn thiếu để xử lý thì cần kiến nghị bổ sung. Chỉ cần sự quyết liệt.
Nếu không giải quyết dứt điểm tình trạng trên, ai dám chắc tình trạng như ở Nha Trang không lan ra các địa phương khác?
Việc hoàn thiện Luật Du lịch (sửa đổi) tới đây có lẽ cũng khó giải quyết được vấn nạn này nếu việc thực thi những quy định hiện hành về xuất nhập cảnh, quản lý tạm trú đối với người nước ngoài không được đảm bảo và thiếu sự quyết liệt của chính quyền.
Nhìn lại năng lực và cách quản lý
Ta cần nhìn lại năng lực của mình để khai thác khách TQ hơn là e ngại. Thứ nhất, trong đội ngũ quản lý và làm du lịch, có những ai giao tiếp được tiếng Anh, tiếng Trung để làm việc trực tiếp với DN, với đoàn, với khách TQ? Các bản hướng dẫn, tờ rơi hay bất cứ quảng cáo, cảnh báo... nào của chúng ta có tiếng Trung chưa? Lâu nay chúng ta tập trung vào tiếng Anh là chính.
Thứ hai, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng chúng ta đã phù hợp với đặc điểm khách Trung chưa? Thường họ đi từng đoàn rất đông, trong khi rất nhiều nhà hàng, khách sạn của ta nhỏ, ít chịu liên kết nhau nên chỉ phục vụ khách lẻ, đoàn nhỏ.
Chúng ta đã kêu gọi đầu tư nước ngoài, không phân biệt DN trong nước, nước ngoài. Vấn đề là họ phải đăng ký kinh doanh, đăng ký lao động theo luật định. Nếu ta quản lý tốt thì dù người Việt Nam đứng tên giùm hay người TQ đứng tên công khai ta vẫn thu thuế được. Việc kiểm tra DN cứ đúng quy định, thủ tục, trình tự. Họ không tuân thủ thì xử phạt. Quy định đã có, DN Việt còn phải than là kiểm tra nhiều quá. DN Việt không thể đóng cửa không tiếp hay không cho đoàn kiểm tra vào. Vậy thì không có lý gì để nói là kiểm tra các DN có yếu tố TQ không được. Vấn đề là có làm hay không mà thôi!
ĐINH VÕ VÂN(Quận 6, TP.HCM)
Phải giải quyết được bất cập
Việc người TQ thao túng hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ phục vụ cho du khách nước này tại Nha Trang (Khánh Hòa) có nguyên nhân từ quy định của pháp luật và công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp thực tiễn. Chính đại diện các cơ quan chức năng nhận định hiện tượng lách luật đã dẫn đến những biến tướng trong hoạt động du lịch đối với khách TQ. Việc chưa chặt chẽ trong quản lý lưu trú, lao động nước ngoài tại Việt Nam cùng điều kiện, nhân lực phục vụ du lịch chưa đáp ứng nhu cầu thực tế khiến các biến tướng ấy được đà phát triển. Thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho hay cả tỉnh chỉ có 11 hướng dẫn viên tiếng Trung. Chính vì thế, phần lớn các DN phải đưa hướng dẫn viên tiếng Trung từ các nơi khác đến. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người TQ “biến hóa” làm hướng dẫn viên du lịch chui tại Nha Trang. Tình trạng trốn thuế, tour chui đang diễn ra song lực lượng thanh tra, kiểm tra của tỉnh lại quá mỏng càng khiến khó phát hiện, xử lý.
Theo tôi, khi những bất cập trên được giải quyết thì những biến tướng, “lũng đoạn” trong hoạt động du lịch đối với du khách TQ mới được ngăn chặn.
QUỐC LONG(Nha Trang, Khánh Hòa)
TRẦN HƯƠNG GIANG (Gia Lâm, Hà Nội)
Đăng nhận xét