Tranh của Rob Petrie.
Nói như Martin Rama là tất cả mọi người có một thứ chung là tình yêu Hà Nội. Điều này không cần phải nghi ngờ.
Tới mức trưa Hà Nội nắng chang chang gần 40 độ, người ta vẫn kiên nhẫn xếp hàng ăn bún chả Lê Văn Hưu. Trong khi ở những góc phố nào đó, bún chả kẹp que tre đầy hương vị Hà Nội vụt trở lên vắng vẻ.
Lại nhớ, Martin Rama – nguyên Chuyên gia kinh tế Trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thập niên 2000 - tác giả của cuốn sách “Hà Nội, một chốn rong chơi”, từng nói: “Trong sự hỗn loạn, trong cái ồn ào, trong bầu không khí ô nhiễm… người ta dễ bỏ qua những thứ ẩn sâu bên trong, những tiềm năng để Hà Nội có thể trở thành một đô thị tốt nhất Đông Nam Á”. Cũng theo Rama, bản thân người Hà Nội, dù đều có một tình yêu chung đối với thành phố của mình, họ cũng khó nói được chính xác điều gì khiến “nàng” đặc biệt đến vậy.
Định kiến, hình như ở bất kỳ đâu cũng là thứ luôn rất sẵn. Như kiểu phải cái này, cái kia mới là tốt, là hay. Trong khi cuộc đời lại chỉ hấp dẫn, hay ho bởi sự khác biệt. Tình yêu thời tuổi trẻ dễ tự tin tới mức nhiều năm liền, sau khi bước chân vào tòa soạn báo Đại Đoàn kết ở 66 Bà Triệu, một nhóm phóng viên trẻ chúng tôi thời ấy luôn nghĩ rằng suốt dọc đường Bà Triệu chả có chỗ nào đẹp bằng việc ngồi dưới những vòm cây sấu, nhìn lá tre rụng góc vỉa hè bên kia Sứ quán Pháp (thực tế, chắc hẳn là nhiều đoạn đẹp hơn!). Cái biệt thự cũ kiểu Pháp ở 66 Bà Triệu với những phòng làm việc chả giống ở đâu: Phòng to, phòng nhỏ và hồi chúng tôi mới bước chân vào trong phòng làm việc còn có cả một cái phản gỗ. Ngôi nhà này, nó cũng mang đậm “đặc trưng” những ngôi nhà kiểu Pháp khác của Hà Nội kể từ ngày tiếp quản. Sử dụng “sai mục đích” so với thiết kế ban đầu (vốn là nhà ở của 1 gia đình) nên chả mấy chốc mà xuống cấp, rệu rã. Thế mà hồi tuổi trẻ ấy, luôn thấy nó “sang trọng” và “hào hoa”.
Những tưởng mình đã thuộc ngôi nhà ấy, góc phố ấy đến từng viên gạch lát vỉa hè. Cho tới một ngày, đọc cuốn hồi ký “Cô bé nhìn mưa” của Giáo sư Đặng Thị Hạnh mới biết cái dốc Bà Triệu ngày nào mình cũng ngồi nhìn ra từ ô cửa sổ tầng 2, thời trước có tên gọi là dốc Hàng Kèn. Một địa danh mà nhà văn Siêu Hải xếp vào loại những cái tên không còn dấu vết ở Hà Nội. Thông thường phố hàng chỉ ở quanh khu vực phố cũ, riêng Hàng Kèn, theo nhà văn Siêu Hải: “duy có phố Hàng Kèn tách riêng ở phía nam Hồ Gươm. Phố này thuộc thôn Hồi Mỹ gần đoạn đường dốc có một cây thị cổ thụ, nên thành tên Dốc Hàng Kèn cây thị”. Vậy là sau dốc Hàng Kèn, là phố Hàng Kèn cây thị tức đoạn phố Trần Quốc Toản, từ đường Bà Triệu đến Quang Trung. Trường Quang Trung thời thuộc Pháp cũng gọi là trường Hàng Kèn. Sở dĩ phố này có tên là phố Hàng Kèn, vẫn theo nhà văn Siêu Hải, vì phố có một phường kèn trống bát âm chuyên phục vụ các đám rước thần và đám ma. Cuối thế kỷ 19, chính quyền thực dân dồn các xóm thôn ở phía nam kinh thành để lập mấy phố mới: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt... nên những người cho thuê đòn đám ma, rồi phường bát âm đều dọn lên Hàng Lược để tiện cho các gia đình có đám đến thuê...
Vậy đấy, trải bao biến thiên dâu bể, có những cái tên chỉ còn trong ký ức.
Vậy đấy, những gì ta biết được so với cuộc đời thật nhỏ bé bao nhiêu. Nên sẽ thật khiếm khuyết nếu ta nhìn đời bằng thiên kiến và định kiến.
Nên không thể lúc nào và ai cũng phải hát một bài giống nhau, quen tai với đông người. Không thể bắt mọi người đều nói giống như đông người nghĩ.
Trở lại với câu chuyện thời sự những ngày qua là bún chả Lê Văn Hưu. Nói như Martin Rama là tất cả mọi người có một thứ chung là tình yêu Hà Nội. Điều này không cần phải nghi ngờ. Không nên mù quáng như tuổi trẻ tới mức yêu cả sự hỗn độn trong giao thông Hà Nội. Nhưng tình yêu không phải thứ độc quyền để nhất nhất chỉ có một cách yêu. Cũng như đừng nhân danh tình yêu để phỉ báng những sự hỗn độn, xấu xí còn lại. Để rồi ngày thường có khi hắt hủi rồi đến một ngày có một vị khách nào đó từ nơi xa xôi đến xuýt xoa khen, thì ta đột ngột bùng phát một cơn mưa đầy hào phóng tình yêu cho nó giống họ, chỉ vì họ đã yêu.
Cẩm Anh
Đăng nhận xét