Tối 13-9-2015, LXT chạy xe máy chở LNHH và PVP (cùng ngụ phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đi trộm cắp. Thấy nhà chị ĐTKC ở cùng phường vắng người, cả ba đi tìm xà beng cạy cửa.
Xác định tiền mất trộm theo lời khai bị hại
Sau đó, T. đứng ngoài cảnh giới, H. và P. đột nhập vào lấy trộm hai hộp nhựa đựng trang sức bằng kim loại màu vàng và bạc, một xấp tiền, một tờ tiền 50 USD, một laptop, một ĐTDĐ.
Về nhà, H. đưa tài sản cho T. mang đi cất giấu và bán để chia nhau tiêu xài. Riêng xấp tiền thì H. giấu riêng. Theo lời khai của H. tại CQĐT sau này, H. kiểm tra thì thấy có 58 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng (tổng cộng 29 triệu đồng). H. đã tiêu xài hết 1,5 triệu đồng.
Tối cùng ngày, chị C. về phát hiện mất trộm bèn trình báo công an. Theo khai báo của chị C., ngoài laptop và ĐTDĐ, chị còn bị mất 50,7 triệu đồng tiền mặt, một chiếc nhẫn vàng loại 9,8K trọng lượng 0,5 phân trị giá 1,5 triệu đồng.
Kết quả định giá tài sản cho thấy laptop trị giá 2,6 triệu đồng, ĐTDĐ trị giá 390.000 đồng, tờ 50 USD trị giá 1,05 triệu đồng. Riêng số trang sức bằng kim loại màu vàng và bạc là giả không có giá trị. Tổng giá trị tài sản này là 4,12 triệu đồng.
Công an quận Sơn Trà kết luận việc chị C. khai ngoài laptop, ĐTDĐ, tờ 50 USD, chị còn bị mất 50,7 triệu đồng tiền mặt và một chiếc nhẫn vàng loại 9,8K chứ không phải chỉ có 29 triệu đồng như H. thừa nhận. Tuy nhiên, chị C. không chứng minh thực tế được số tài sản bị mất này. Do giá trị tài sản mà T., H. và P. trộm cắp được dưới 50 triệu đồng nên công an quận đề nghị truy tố ba bị can về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 BLHS (mức án cao nhất đến ba năm tù).
Tuy nhiên, VKSND quận Sơn Trà xác định chị C. bị mất trộm 50,7 triệu đồng tiền mặt và chiếc nhẫn vàng loại 9,8K trị giá 1,5 triệu đồng như lời khai của chị. Do tổng số tiền trộm cắp là hơn 50 triệu đồng nên VKS truy tố ba bị can theo khoản 2 Điều 138 BLHS (mức án cao nhất đến bảy năm tù).
Mới đây, TAND quận Sơn Trà xử sơ thẩm cũng căn cứ vào lời khai của chị C. để kết luận H. trộm cắp của chị 50,7 triệu đồng tiền mặt và chiếc nhẫn vàng loại 9,8K. Tòa xác định tổng cộng giá trị tài sản ba bị cáo trộm cắp là 56,3 triệu đồng và phạt H. 22 tháng tù, T. và P. cùng mức án 30 tháng tù.
Hai bị cáo Trần Bé Hai và Lâm Văn Phương (giữa) tại tòa (bị cáo Hai thấy PV chụp ảnh liền giơ tay... làm kiểu). Ảnh: N.NAM
Bị hại không chứng minh được, tòa không xét
Ở vụ án trên, ngoài lời khai của H. và chị C. về số tiền mặt bị mất trộm thì không còn chứng cứ nào khác để xác định rõ sự thật. VKS và tòa đã căn cứ vào lời khai của bị hại để xác định tài sản bị mất trộm. Tuy nhiên, trong một số vụ án tương tự, nhiều tòa án khác lại có cách giải quyết trái ngược theo nguyên tắc suy đoán có lợi cho nghi can.
Chẳng hạn vụ Thái Trọng cùng năm đồng phạm trộm vàng của tiệm vàng Ngọc Dung (huyện Bù Đăng, Bình Phước) hồi tháng 9-2014. Chủ tiệm vàng khai báo bị mất 286 lượng vàng 18K (10,725 kg), hai lượng vàng 24K (0,075 kg) và 25 triệu đồng tiền mặt. Trong khi đó, nhóm của Trọng sau khi bị bắt đều khai rằng số vàng trộm cân được chỉ có 5,5 kg và đã bán hết cho một người không rõ lai lịch được 2,6 tỉ đồng.
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Phước phạt sáu bị cáo từ chín năm tù đến 14 năm tù, buộc các bị cáo phải bồi thường cho bị hại 3,2 tỉ đồng (tương đương 5,5 kg vàng 18K tại thời điểm xét xử sơ thẩm). Bị hại kháng cáo yêu cầu được bồi thường tài sản bị mất đúng như đã khai báo. Tháng 3-2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã y án sơ thẩm. Theo tòa phúc thẩm, bị hại không cung cấp được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ, sổ sách chứng minh nguồn gốc số vàng, tiền bị mất nên không có cơ sở xem xét.
Chứng minh tới đâu, xử tới đó
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) Nguyễn Tấn Thanh (Đoàn LS TP.HCM) ủng hộ việc áp dụng nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị can, bị cáo trong các trường hợp này. Theo ông, bị hại khai bị mất như thế nhưng lại không chứng minh được và CQĐT cũng không có căn cứ chứng minh nên nếu chỉ căn cứ vào lời khai của bị hại để kết án bị cáo là không thuyết phục. Bởi lẽ theo pháp luật hiện hành, lời khai chỉ được chấp nhận khi phù hợp với các lời khai, chứng cứ và tài liệu khác có liên quan trong vụ án. “Chứng minh tới đâu thì xử lý tới đó và luôn phải tuân thủ nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo chứ không được suy đoán bất lợi” - LS Thanh nói.
Đồng tình, LS Trương Đình Công Vĩnh (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng một nguyên tắc xuyên suốt trong tố tụng hình sự là không được làm bất lợi cho tình trạng của bị cáo khi không có chứng cứ vững chắc. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm là của cơ quan tố tụng, đồng thời phần bị hại cũng phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh thiệt hại. Khi không chứng minh được thì đương nhiên bị can, bị cáo thừa nhận tới đâu thì xử lý tới đó.
Theo LS Chu Văn Hưng (Đoàn LS TP.HCM, nguyên kiểm sát viên), thực tiễn xét xử các vụ án tương tự, dù thông cảm với hoàn cảnh của bị hại, có niềm tin nội tâm rằng bị hại khai thật nhưng khi không đủ cơ sở kết luận, cơ quan tố tụng vẫn phải chấp nhận mức khai nhận của bị can, bị cáo. “Không thể buộc bị cáo chịu toàn bộ trách nhiệm theo lời khai đơn phương của bị hại. Việc cơ quan tố tụng chấp nhận lời khai của bị hại như vụ án ở Đà Nẵng là một trường hợp khá hiếm gặp” - LS Hưng nhận xét.
Một vụ tương tự
Tháng 7-2013, Trần Bé Hai và Lâm Văn Phương trộm tài sản của bà LTH (ngụ quận Ninh Kiều, Cần Thơ). Bà H. khai tổng giá trị tài sản bị mất gần 1 tỉ đồng gồm nữ trang trị giá 700 triệu đồng, 200 triệu đồng tiền mặt và một số tài sản khác. Tại CQĐT, Bé Hai và Phương khai có lấy nữ trang và các tài sản khác như bà H. trình báo. Riêng 200 triệu đồng tiền mặt, Bé Hai khai không lấy, Phương khai không biết, không được chia.
Theo kết quả giám định, số nữ trang bị mất có giá trị 177 triệu đồng. Xử sơ thẩm hồi tháng 3-2016, TAND quận Ninh Kiều xác định tổng tài sản mà hai bị cáo trộm trị giá 196 triệu đồng và phạt Bé Hai tám năm sáu tháng tù, Phương bảy năm tù, buộc hai bị cáo phải bồi thường cho bà H. 196 triệu đồng.
VKSND quận Ninh Kiều kháng nghị yêu cầu tăng án và buộc hai bị cáo trả cho bà H. 200 triệu đồng tiền mặt. Tại phiên phúc thẩm hồi tháng 5-2016 của TAND TP Cần Thơ, đại diện VKSND TP rút lại phần kháng nghị buộc hai bị cáo trả cho bà H. 200 triệu đồng tiền mặt nên tòa không xét phần này, chỉ chấp nhận kháng nghị tăng án lên đối với Phương thành tám năm tù, Bé Hai thành 12 năm tù.
Vi phạm tố tụng
Trong vụ án ở Đà Nẵng, việc VKS và TAND quận Sơn Trà chỉ căn cứ vào lời khai của bị hại để xác định số tiền bị trộm là vi phạm khoản 2 Điều 68 BLTTHS. Điều khoản này quy định rõ: “không được dùng làm chứng cứ những tình tiết của người bị hại trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó”. Điều này được hiểu là khi lời khai của bị hại không có cơ sở để chứng minh thì không được cơ quan tố tụng chấp nhận.
ThS TỪ THANH THẢO, Trường ĐH Luật TP.HCM
T.TÀI - L.TRINH
Đăng nhận xét