Ads (728x90)

Đại hội Đảng lần thứ 19 của đảng cộng sản Trung Quốc (CCP) dự kiến sẽ diễn ra vào năm tới. Tuy nhiên, rất có thể thông lệ “chỉ định lãnh đạo kế nhiệm cách đời” sẽ không được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện trong kỳ đại hội này.

Tap Can Binh se pha vo thong le, khong lap nguoi ke nhiem - Anh 1

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

“Chỉ định cách đời”

“Chỉ định lãnh đạo cách đời” là một trong những thông lệ trong hệ thống chính trị của CCP từ trước đến nay. Trên thực tế, ông Đặng Tiểu Bình, người chưa bao giờ đạt đến vị trí nguyên thủ hay người đứng đầu chính phủ nhưng là người nắm thực quyền, đã chỉ định ông Hồ Cẩm Đào làm người kế nhiệm ông Giang Trạch Dân. Tới khi ông Hồ Cẩm Đào cầm quyền, không ít phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đồn đoán rằng ông Giang Trạch Dân lúc đó đã chọn Tập Cận Bình kế nhiệm ông Hồ. Và hiện nay, dường như ông Hồ Cẩm Đào đã chọn Hồ Xuân Hoa, hiện là Bí thư Thành ủy Quảng Đông, và ông Tôn Chính Tài, Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm, vào thế hệ lãnh đạo thứ 6, kế nhiệm thế hệ lãnh đạo thứ 5 của ông Tập.

Về lý do tại sao ông Giang chọn Tập kế nhiệm. Theo trang tin Boxun, mục đích của ông Giang là để làm rối loạn sự bố trí nhân sự kế cận của ông Hồ Cẩm Đào. Vào thời điểm trước thềm Đại hội 18, Lý Khắc Cường, người cùng xuất thân từ đoàn thanh niên như ông Hồ và được ông Hồ bồi dưỡng, được trông đợi sẽ kế nhiệm Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Do đó, Giang Trạch Dân đã phải gấp rút đưa ông Tập Cận Bình, một người có vẻ như không thuộc phe phái nào, lại đều được các bên chấp nhận, vào đội ngũ lãnh đạo. Khi đưa ông Tập lên, ông Giang mong muốn thu được những lợi ích sau:

Thứ nhất, đảm bảo rằng những sai phạm trong thời gian nhậm chức của ông không bị thế hệ kế cận truy cứu.

Thứ hai, đảm bảo được rằng tư tưởng của “thuyết ba đại diện” (CCP đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến và đại diện lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc) do Giang Trạch Dân giới thiệu không bị thế hệ kế cận phủ định. Như vậy, ông Giang sẽ tiếp nhận được sự sùng bái trong nội bộ đảng cũng như khống chế được về mặt tinh thần đối với đại đa số cán bộ đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc.

Thứ ba, thế hệ kế cận có thể giúp bảo vệ người thân cũng như thân tín còn đang tại chức của ông Giang.

Ông Tập Cận Bình không được lập theo “chỉ định cách đời”

Tuy nhiên, nhà xuất bản Minh Kính chuyên viết về đề tài nhân sự lãnh đạo của Trung Quốc lại cho biết ông Tập Cận Bình không phải là người được thế hệ lãnh đạo đời trước cũng như người tiền nhiệm của mình chọn lên, mà là người được chọn ra sau khi các “nguyên lão” còn sống thông qua nhiều phương thức "đấu đá" và trao đổi lợi ích mới quyết định được. Do đó, ông Tập không phải có bất cứ trách nhiệm nào với người tiền nhiệm.

Để ông Tập có thể trở thành lãnh đạo, một nguyên nhân quan trọng chính là việc ông là nhân vật tiêu biểu cho “thế hệ đỏ thứ hai”, là con cháu của “gia tộc đỏ”, nên được các “nguyên lão” tin tưởng trao quyền. Ngoài ra, thế hệ “nguyên lão” thời Đặng Tiểu Bình đều đã qua đời, không thể can dự vào các quyết định bố trí nhân sự như thời ông Giang và ông Hồ.

Đặc biệt, ông Tập không giống như hai ông Giang và Hồ là nghe lời những người đi trước đã làm mà lại là người dám thử sức để tìm ra con đường đi riêng của mình. Do đó ông không hề để mắt đến hay cũng không giả bộ lấy lòng đội ngũ cán bộ cũ do Giang Trạch Dân để lại như Lệnh Kế Hoạch hay Lý Nguyên Triều. Đội ngũ này đã bị chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập xử lý gần hết. Điều này cho thấy ông Tập rất có cá tính và rất tự tin. Ngoài ra, thông qua việc xử lý lớp cán bộ cũ, ông cũng muốn phát đi thông điệp “không ai có thể là “thái thượng hoàng” của CCP và Tập Cận Bình”.

Cũng không lập người kế nhiệm

Còn hơn một năm nữa CCP sẽ tổ chức đại hội đảng toàn quốc lần thứ 19. Khi đại hội 19 được tiến hành cũng có nghĩa sẽ có ai đó sẽ nổi lên trong đại hội 20, trở thành người lãnh đạo nhiệm kỳ mới của CCP. Theo quy định của CCP, không thể giữ chức Tổng bí thư quá 2 nhiệm kỳ, vì vậy dù thế nào thì ông Tập Cận Bình cũng phải chuyển giao nhiệm vụ cho người khác tại đại hội 20. Do vậy, trong đại hội 19 sắp tới ông cần phải chọn người mới bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị để làm “người dự bị kế nhiệm” của đại hội sau.

Có người nói rằng, tại đại hội 18, Hồ Cẩm Đào từng căn dặn Tập Cận Bình phải chú ý bồi dưỡng Hồ Xuân Hoa, ủy viên Cục Chính trị CCP.

Hồ Xuân Hoa có nhiều điểm khá giống Hồ Cẩm Đào. Hồ Xuân Hoa học khoa Trung văn, Đại học Bắc Kinh, sau khi tốt nghiệp vào năm 1983 đã chủ động xin đi công tác tại Tây Tạng. Năm 1990, Hồ Xuân Hoa làm Phó bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc khu tự trị Tây Tạng. Tháng 12.1997, ông được thăng làm Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc kiêm Phó chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên toàn quốc. Tháng 11.2006, ông trở thành Bí thư thứ nhất Ban Bí thư Trung ương Đoàn. Tháng 4.2009, Hồ Xuân Hoa trở thành Tỉnh trưởng Hồ Bắc, không lâu sau thì chuyển đến khu tự trị Nội Mông. Đến tháng 12.2012, Hồ Xuân Hoa thay Uông Dương làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông. Xuất thân là cán bộ đoàn với quá trình hoạt động tốt, nên Hồ Xuân Hoa đã được Hồ Cẩm Đào “gửi gắm” cho Tập Cận Bình.

Vậy, Tập có thực hiện lời “gửi gắm” của người tiền nhiệm hay không? Nếu nhìn vào quá trình cầm quyền 3 năm qua của ông Tập thì chắc chắc là không.

Đầu tiên, như đã nói ở trên, ông Tập không phải kiểu lãnh đạo “ngoan ngoãn” như Hồ, Giang. Ông có thân phận “thế hệ đỏ thứ hai” tiêu biểu, nắm quyền lực rất lớn, không e dè bất cứ phe phái nào. Như vậy, ông tuyệt đối sẽ không chấp nhận người mà Hồ Cẩm Đào “chỉ định cách đời” để kế nhiệm mình mà sẽ tự mình bố trí nhân sự tại đại hội 19 theo hướng có lợi cho ông.

Thứ hai, thâm niên chính trị của Hồ Xuân Hoa xét từ lý lịch có vẻ rất hoàn hảo, nhưng ông lại không thuộc vào hàng ngũ thân tín của Tập, càng không có “dây mơ rễ má” gì với Tập. Trong CCP, chọn người kế cận một mặt phải xét thành tựu, nhân phẩm, kinh nghiệm; mặt khác còn phải xem người này xuất thân từ phe phái nào, do ai bồi dưỡng và đề bạt. Đây đã là quy tắc bất thành văn lâu nay.

Hơn nữa, mục đích lập người kế nhiệm của một lãnh đạo đang cầm quyền là để tiếp tục con đường của mình, bảo vệ lợi ích phe phái của mình. Vì mục đích này, lãnh đạo cầm quyền nhất thiết vừa phải bồi dưỡng người kế nhiệm, vừa phải tạo lập uy tín cho người này. Tuy nhiên, người kế nhiệm có vị thế quá mạnh sẽ đe dọa đến lãnh đạo đang cầm quyền, như trường hợp của Lưu Thiếu Kỳ và Mao Trạch Đông, nhưng người kế nhiệm quá yếu thế dễ bị người khác lật đổ, như Hoa Quốc Phong với Đặng Tiểu Bình. Nên việc chọn người kế nhiệm là một việc rất khó khăn, những người muốn ngồi vững ngôi vị này đều phải trải qua thử thách, từ xưa đến nay ở bất cứ nơi nào đều cũng vậy cả. Tập Cận Bình trong thời kỳ là người kế nhiệm dự bị của Hồ Cẩm Đào là ví dụ tiêu biểu. Vậy, liệu Hồ Xuân Hoa hội đủ tài trí và năng lực như mong muốn của Tập Cận Bình không? Nói cách khác, liệu Tập Cận Bình có tin tưởng và trọng dụng Hồ Xuân Hoa không? Rõ ràng là không.

Những người có tiếp xúc cán bộ cấp cao của CCP cho biết Tập Cận Bình sẽ không chuẩn bị người kế nhiệm trong đại hội 19, tin này vừa gây ngạc nhiên nhưng cũng hợp lý, phù hợp với những biểu hiện của Tập trong hơn 3 năm nay: ráo riết thâu tóm quyền lực; chống tham nhũng tạo uy thế; sùng bái cá nhân; hạn chế dư luận.

Ông Tập dường như đang đi theo con đường của Mao Trạch Đông: đi thăm lại một số căn cứ địa của CCP như Thiệu Sơn (Hồ Nam); Tây Bách Ba (Hà Bắc); Tỉnh Cương Sơn (Giang Tây); nhắc lại “Nghị quyết hội nghị Cổ Điền”; nhấn mạnh phương tiện truyền thông của đảng và nhà nước phải mang tính đảng; nắm chắc binh quyền... Cuối cùng, ông Tập có thể sẽ sửa đổi hiến pháp và điều lệ đảng, bãi bỏ quy định chỉ được giữ chức Tổng Bí thư tối đa 2 nhiệm kỳ để làm Tổng bí thư lâu dài.

Cẩm Bình

(theo Nhà xuất bản Minh Kính/ Một thế giới)

Đăng nhận xét