Cụ Nguyễn Tráng đi khắp nơi xin tiền làm cầu
Xóm Vạn Buồng (thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) như một ốc đảo trên sông Thu Bồn. Người dân nơi đây giao lưu với thế giới bên ngoài bằng đò. Thấy bà con cực quá, cụ Nguyễn Tráng khi ấy 80 tuổi vẫn tất bật Bắc - Nam để xin tiền xây cầu cho bà con.
37 năm làm 31 cây cầu
Từ xã Duy Trinh, chúng tôi tìm về xóm Vạn Buồng, khi đi qua một cây cầu bê tông cốt thép nối nhịp đôi bờ. Phía đầu cầu, có một tấm bảng cầu Vạn Buồng. Ở đó, thông tin chiều dài, chiều rộng và các cơ quan đoàn thể giúp đỡ.
Hỏi chuyện về cây, cầu bà Hồ Thị Tái (65 tuổi, xóm Vạn Buồng) cho hay, tên là Vạn Buồng nhưng bà con quen gọi cầu ông Tráng. Bà nói tiếp: Ông Tráng đi kêu gọi khắp nơi đem tiền về làm cầu cho xóm. Ngày khánh thành, người dân muốn để tên cầu ông Tráng, nhưng chủ nhân chiếc cầu này từ chối.
Tìm về nhà cụ Tráng, căn nhà lọt thỏm ở giữa xóm Vạn Buồng. Từ trong nhà, một ông cụ đã bước sang tuổi 86, mái tóc bạc trắng. Thấy khách lạ, ông niềm nở đón tiếp. Nhâm nhi ly trà, cụ Tráng kể rằng: Cầu Vạn Buồng - đó là câu chuyện dài, nếu mình không tâm huyết chắc chắn không có cây cầu bằng bê tông cốt thép này.
Trước đây, cụ Tráng có khoảng thời gian dài công tác tại UBND xã Duy Trinh. Năm 1990, cụ về hưu. Sau đó, tiếp tục tham các hội, tổ chức tại thôn, xóm đến mãi bây giờ. Mặc dù tuổi già, sức yếu nhưng các hoạt động trong xóm, trong làng cụ luôn tiên phong.
Cụ Tráng kể, xóm Vạn Buồng cực khổ lắm. Phía Tây giáp nhánh sông Thu Bồn, Bắc và Đông giáp Gò Nổi, mùa mưa hay nắng đều như ốc đảo. Xóm không có đường, con nít nghỉ học nhiều, đứa nào siêng thì cha mẹ phải dắt, cõng đi học. Xóm lại không có trạm xá, ai bệnh nặng bất ngờ thì coi chừng.
Sau giải phóng, cụ đi xin từng thanh sắt đường tàu, mảnh tôn… rồi kêu gọi bà con lắp ghép. Cây cầu bằng sắt hoàn thành, người dân chưa kịp mừng rỡ thì các mảnh sắt phần bị trẻ em lấy trộm bán phế liệu, phần bị rỉ sét nên chỉ vài tháng sau bị lũ cuốn.
Cây cầu Vạn Buồng phá thế lụy đò của người dân
Không nản lòng, vài hôm sau cụ Tráng đi quanh xóm xin từng cây tre để tiếp tục làm cầu. “Người góp tre, người góp công, có gia đình ủng hộ ít tiền thuê thợ nên chỉ làm vài ngày là có cầu đi lại. Nhưng ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn, chỉ cần cơn mưa lớn ở thượng nguồn thì nước lũ đổ xuống ào ào. Vì vậy, những cây cầu đó chỉ trụ được chưa đầy một năm thì bị lũ cuốn”, cụ Tráng nói.
Cứ như vậy, từ năm 1975 đến năm 2012, có đến 30 cây cầu tạm đã được cụ kêu gọi bà con làm. Trong đó cây cầu phao được làm năm 2000 có “tuổi thọ” gần 6 năm là lâu nhất. Cầu này làm từ số tiền gần 80 triệu đồng do cụ Tráng đi xin của các nhà hảo tâm. Lại quay về làm cầu tre tạm bợ. Năm 2009, cụ lại tiếp tục đi vận động. Tự nhủ, lần này quyết làm được cây cầu kiên cố.
Để thực hiện tâm nguyện, cụ Tráng mạnh dạn viết thư kêu gọi, bắt xe lặn lội vào TP Hồ Chí Minh, ra Hà Nội, Đà Nẵng… để kiếm nguồn hỗ trợ xây cầu bê tông. Lúc đó cụ cũng đã ngoài 80 tuổi, không ai nghĩ cụ bền bỉ, nhiệt tâm đến vậy.
“Tôi còn sức là còn đi để vì con, vì cháu. Nếu không mạnh dạn thì không biết bao giờ dân mới có cầu. Mà không có cầu thì ốc đảo này phát triển kinh tế bị đình trệ, giao thương rất khó khăn”, cụ Tráng tâm sự.
Cầm bản vẽ thiết kế cây cầu còn lưu giữ, chỉ tay vào từng chi tiết, cụ cho biết, ngày làm cầu, cụ đứng ra mời bà con trong xóm họp và được mọi người đồng tình. Cụ lọ mọ lên xã, huyện xin tiền. Những lời cụ nói chỉ nhận được câu trả lời: Địa phương không đủ kinh phí, Vạn Buồng lại ít dân. Cụ đành quay về và tìm cách khác.
Cầu Vạn Buồng được đầu tư 1,3 tỷ đồng
Không nản chí, cụ đến gặp trực tiếp Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên để bày tỏ tâm nguyện. Dự toán ban đầu hết 400 đến 500 triệu đồng, ông Bí thư hỏi cụ cần hỗ trợ bao nhiêu? Cụ Tráng đưa bàn tay lên, nói 50%, tức chính quyền cho một nửa, còn một nửa cụ đi vận động. Sau cuộc họp Thường vụ hôm ấy, huyện Duy Xuyên thống nhất hỗ trợ 200 triệu đồng.
Ngày khánh thành cầu Vạn Buồng, huyện Duy Xuyên hỗ trợ thêm 100 triệu đồng, xã Duy Trinh cũng tặng 50 triệu động. Cụ Tráng được UBND xã Duy Trinh tặng Bằng khen và tuyên dương “Gương người tốt, việc tốt và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại địa phương. UBND huyện Duy Xuyên cũng xuất bản một cuốn sách viết về những người góp công lớn trong xây dựng quê hương, trong đó có nêu gương cụ Tráng.
Cụ Tráng lập tức vô Sài Gòn, ra Hà Nội gặp các hội đồng hương, thành lập ban vận động. Anh em chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng cầu đường đi máy bay từ Sài Gòn ra kiểm tra thực tế và nhận định kinh phí xây cầu phải gấp 2 - 3 lần dự toán ban đầu. Và bản thiết kế được con em quê hương vẽ giúp, tổng chi phí cây cầu lên đến 1,3 tỷ đồng, trong khi dân nghèo nếu ráng lắm đóng góp cũng chỉ được một phần. Cụ lại xuôi ngược đi gõ cửa xin tiền. Tháng 3/2012, cụ Tráng cùng người dân đặt viên đá khởi công. Tháng 8/2015, cây cầu khánh thành với 10 nhịp, dài 84m, rộng 2,7m, đường dẫn dài 14m.
“Lúc cây cầu sắp được khánh thành, người dân nằng nặc bảo gắn tên biển là “cầu ông Tráng” để ghi nhớ công sức tôi ngược xuôi đi kêu gọi, vận động. Nhưng tôi gạt ngang với đại ý rằng, đó là chiếc cầu của lòng dân, của những mòn mỏi và đong chứa niềm tin của tất cả cư dân ốc đảo Vạn Buồng”, cụ Tráng bộc bạch.
Hoàn cảnh cơ cực
Gần đây, cụ Tráng lâm bệnh. Cụ thường xuyên ra Đà Nẵng chữa trị. Kết quả các bác sĩ nói nhiều bệnh lắm, trong đó bị u sưng gan. Thế nhưng mọi việc trong, việc ngoài, trước nay cụ quán xuyến hết. Vợ cụ mất năm 2010, người con trai Nguyễn Hùng (41 tuổi) bị tai nạn ngồi xe lăn suốt 16 năm nay.
Năm 2000, xe lật khiến anh Hùng bị thương nặng, trở thành người tật nguyền, phải ngồi xe lăn suốt đời.
“Mấy hôm trước, tôi phải chống gậy đi vì căn bệnh u sưng gan, đi bệnh viện, bác sĩ sợ tôi già không chịu nổi xạ trị, nên bảo tôi về uống thuốc. Tôi uống từ thuốc bắc đến thuốc nam, giờ đỡ hơn, nhưng chẳng biết sống được đến khi nào”, cụ Tráng trầm ngâm.
Cụ Tráng chăm sóc người con tật nguyền
Hai cha con cụ nương tựa nhau nên gian truân thì cứ bủa vây, không một phút thảnh thơi. Gần một năm nay, người cháu họ - anh Thái Nương (41 tuổi) ở xóm ngoài phải sang giúp cụ lo cơm nước, phụ việc giặt giũ.
“Người ta nói chú Tráng toàn lo việc này, việc nọ, ít khi mô nghĩ cho mình. Mà cũng đúng thật, ngược xuôi cả đời, đùng một cái đau xuống đi xét nghiệm phát hiện trong người đủ bệnh”, anh Nương nói về người chú mình.
Ông Trần Tấn Công, Trưởng thôn Phú Bồng cho hay: Xóm Vạn Buồng có hơn 80 hộ dân, từ khi cầu bê tông được đưa vào sử dụng, dân làng không còn ai đi tha hương. Giao thương bây giờ rất thuận tiện là nhờ vào cụ Tráng. Không chỉ góp công sức làm cầu, cụ còn là tấm gương trong cách dạy dỗ con cháu.
Tri ân người đã quyên góp tiền xây cầu, hàng ngày bà con lối xóm đều sang giúp đỡ cụ Tráng công việc nhà, bởi cụ giờ tuổi cao, vợ mất, lại có người con bệnh tật.
Đăng nhận xét