Hoàng Phi Hồng được coi là nhất đại tông sư trong nền võ thuật Trung Hoa bên cạnh Hoắc Nguyên Giáp, Diệp Vấn. Tuyệt chiêu của ông có Thiết tuyến quyền, Vô ảnh cước, Tử mẫu đao, Đơn song hổ trảo. Cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng Phi Hồng là cảm hứng lớn với các nhà làm phim. Thống kê từ những năm 1940 trở lại, nhân vật này đã hàng chục lần xuất hiện trên màn ảnh qua diễn xuất của các tên tuổi hàng đầu.
Người đầu tiên thủ vai Hoàng Phi Hồng là Quan Đức Hùng. Nhưng người thành công nhất trên màn ảnh khi tái hiện võ sư huyền thoại lại là Lý Liên Kiệt. Lý Liên Kiệt được ví như phiên bản điện ảnh hoàn hảo nhất từ trước đến nay. Những tuyệt kỹ võ thuật của Hoàng Phi Hồng như Hổ hạc hình quyền, Vô ảnh cước, Đơn song hổ trảo như sống lại trong từng thế võ của Lý. Nam diễn viên 53 tuổi góp mặt trong cả 3 phần Hoàng Phi Hồng thực hiện từ năm 1990 đến 1993. Lý Liên Kiệt luôn tự hào khi có thể trở thành một huyền thoại võ thuật, dù chỉ trên màn ảnh.
Sau Lý Liên Kiệt, Thành Long với Túy quyền 1,2 ra mắt lần đầu vào năm 1978 cũng được đánh giá thành công về doanh thu phòng vé. Nam diễn viên tái hiện chuỗi ngày tháng khổ cực khi theo học võ. Được Tô Khất Nhi truyền dạy cho bí kíp, Hoàng Phi Hồng của Thành Long đã chiến đấu với nhiều đối thủ. Màu sắc hài hước, những pha đấu võ trong phim khiến Thành Long nổi tiếng. Mặc dù vậy, khán giả cảm thấy khó chấp nhận một hình tượng Hoàng Phi Hồng qua vóc dáng của Thành Long.
Triệu Văn Trác cũng được chú ý nhờ vai Hoàng Phi Hồng trong phiên bản truyền hình. Nam diễn viên họ Triệu chia sẻ đây cũng là tuyến vai anh tâm đắc nhất trong sự nghiệp. Triệu Văn Trác đã biết cách biến hóa những đường Hồng gia quyền trở nên đẹp mắt hơn, diễn xuất với một phong cách khác hơn so với Lý Liên Kiệt, nhưng nhân vật Hoàng Phi Hồng do Triệu Văn Trác đóng vẫn không được số đông khán giả chấp nhận và yêu thích.
Trong Thiếu niên Hoàng Phi Hồng, Chân Tử Đan cũng có cơ duyên được đảm nhận vai nhất đại tông sư. Nhưng vai diễn này không được nhắc đến nhiều trong sự nghiệp tài tử 53 tuổi. Hồi năm 2014, các nhà làm phim một lần nữa mang nhân vật Hoàng Phi Hồng lên màn ảnh rộng với sự thể hiện của Bành Vu Yến (phải), bên cạnh dàn sao như Angelababy, Hồng Kim Bảo. Trong phiên bản mới nhất, khán giả đã không thể nhận ra đây là câu chuyện về Hoàng Phi Hồng vì sự thay đổi trong kịch bản và cách làm phim. Nhưng ê-kíp sản xuất cho rằng sự phá cách là cần thiết để Hoàng Phi Hồng tồn tại trong lòng người xem, không bị mài mòn bởi sự nhàm chán.
Trần Chân: Nhân vật dựa trên nguyên mẫu cuộc đời võ sư Lưu Chấn Thanh - đệ tử chân truyền của Hoắc Nguyên Giáp cũng là cao thủ bậc nhất Trung Hoa. Nhân vật này được coi là tương đài trong dòng phim võ thuật. Những diễn viên từng đảm nhận vai Trần Chân đều là tên tuổi hạng A như Lý Tiểu Long, Lương Tiểu Long, Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Trần Tiểu Xuân (bản truyền hình). Lý Tiểu Long nhờ vai Trần Chân trong Tinh võ môn (1972) đã trở thành ngôi sao đẳng cấp quốc tế.
Vì áp lực từ thành công của Lý Tiểu Long, sau đó là Lương Tiểu Long, Chân Tử Đan từng gặp nhiều áp lực khi nhận lời đóng chính trong bản phim năm 1995 - Huyền thoại Trần Chân do ATV thực hiện. Dự án này mang lại thành công ngoài mong đợi cho nam diễn viên chính. Anh được coi là phiên bản thành công của Trần Chân trên truyền hình, chỉ thua kém Lý Tiểu Long.
Thập niên 90, Trần Chân một lần nữa gây sốt trên màn ảnh nhờ Lý Liên Kiệt. Tinh võ anh hùng ra mắt năm 1994 giúp Lý củng cố vị trí ngôi sao võ thuật. Những màn giao đấu trực diện của anh và Châu Tỷ Lợi được đánh giá là kinh điển trong dòng phim hành động. Tuy nhiên, Trần Chân của Lý bị chê mờ nhạt vì thiếu cá tính, chỉ chú trọng đến võ thuật. Hơn 10 năm sau, Trần Tiểu Xuân nối tiếp các đàn anh đảm nhận vai Trần Chân trong phiên bản truyền hình - Tinh võ Trần Chân. Khán giả vui khi lại được hội ngộ võ sư màn ảnh, nhưng họ thất vọng khi dự án do Tiểu Xuân đóng "thiếu lửa".
Là người có công lớn trong việc khai sinh Vịnh Xuân quyền, sư phụ của Lý Tiểu Long, Diệp Vấn là nhất đại tông sư được kính trọng trong làng võ học Hong Kong. Hình tượng của ông là nguồn cảm hứng với các nhà làm phim. Chân Tử Đan ghi danh nhờ nhiều vai diễn nhưng sự nghiệp của ngôi sao võ thuật này gắn liền với tên tuổi Diệp Vấn. Nam diễn viên đã nói về việc giải nghệ với dòng phim võ thuật thực chiến sau Diệp Vấn 3 bởi “đó là cái kết mỹ mãn với tôi”.
Ngoài Chân Tử Đan, Huỳnh Thu Sinh (Diệp Vấn trận chiến cuối cùng) và Lương Triều Vỹ (Nhất đại tông sư) cũng từng có cơ hội đóng vai Diệp Vấn. Nhưng hai nam diễn viên này không tạo được dấu ấn như Chân Tử Đan.
Hoắc Nguyên Giáp là danh gia võ thuật Trung Quốc, là người sáng lập Tinh võ môn. Vượt thoát khỏi sự ràng buộc của mọi quy định, Tinh võ môn phổ biến võ học đến đại chúng. Nhờ đó, Hoắc Nguyên Giáp là ân sư của nhiều cao thủ, có công lớn với võ học Trung Quốc. Hình tượng và cái chết còn nhiều bí ẩn của ông khiến bậc đàn em sau này như Lý Liên Kiệt, Lý Tiểu Long phải kính phục.
Triệu Văn Trác cũng có duyên với nhân vật danh sư huyền thoại khi đảm nhận vai chính trong bộ phim cùng tên. Triệu xuất thân trong gia đình võ học, được gửi lên chùa Thiếu Lâm dạy võ từ khi còn nhỏ. Nhờ khả năng thực chiến, Triệu Văn Trác được giao cơ hội đóng Hoắc Nguyên Giáp trong bộ phim truyền hình cùng tên. "Lý Liên Kiệt thứ hai của màn ảnh Trung Hoa" từng chia sẻ: "Tôi sẽ chẳng là gì so với tiền bối Hoắc Nguyên Giáp. Ông là thần tượng của tôi từ nhỏ, được tái hiện một hình ảnh kinh điển trong lịch sử võ học là giấc mơ với bất kỳ diễn viên võ thuật nào".
Hiểu Nguyệt
Ảnh: Sina, QQ.
Đăng nhận xét