Ads (728x90)

Chiều 3/7, tại Bảo tàng Đà Nẵng, UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) tổ chức Lễ phát động hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Hien tang nhieu hien vat, tu lieu quy ve chu quyen Hoang Sa - Anh 1

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn hiến tặng cho UBND huyện Hoàng Sa tập bản đồ Trung Quốc do ông sưu tầm tại Mỹ. Ảnh: Tấn Việt.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, hiện Hội đã lưu trữ được hơn 150 tư liệu, hiện vật... quý giá liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong đó, có những bản vẽ tư liệu trong giai đoạn từ năm 1618 - 1859 cho thấy chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Ông Tiếng cho biết thêm, thời gian qua nhiều học giả, người dân đã tình nguyện hiến tặng nhiều tư liệu quý giá, trong đó có sách atlat năm 1933 được xuất bản tại Nam Kinh (Trung Quốc) hay bản đồ do phái bộ Trung Quốc tại Anh xuất bản năm 1908. Tất cả đều cho thấy lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.

Hien tang nhieu hien vat, tu lieu quy ve chu quyen Hoang Sa - Anh 2

Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng sau khi hoàn thành sẽ là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật quý giá về chủ quyền biển đảo của nước ta.

Ngay sau khi tuyên bố khai mạc lễ phát động, NSƯT Trí Trung (1 đạo diễn phim kỳ cựu tại Đà Nẵng) đã gửi tặng ban tổ chức đĩa DVD gốc của bộ phim tài liệu "Nhớ đảo". Đây là bộ phim nói về các nhân chứng từng sống tại quần đảo Hoàng Sa trước ngày 19/1/1974. Bộ phim từng gây tiếng vang lớn trong cả nước khi đoạt giải báo chí quốc gia 2005 và Huy chương vàng Liên hoan phim toàn quốc cũng trong năm 2015.

Hường ứng lời kêu gọi, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng cũng trao tặng phụ bản bản đồ do chính ông phát hiện mang tên "Atlas von China" (Tập bản đồ Trung Quốc) do Nhà xuất bản Verlag von Dietrich Reimer (Đức) xuất bản năm 1885, được lưu trữ tại Kho sách hiếm Đại học Harvard (Mỹ).

Tiến sĩ Anh Sơn cho biết, 10 tháng nghiên cứu tại Mỹ, ông đã sưu tầm được nhiều tài liệu cổ quý giá của Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Lựa (quê Thới Lai, Cần Thơ) cùng con trai Nguyễn Hoàng Sa cũng hiến tặng nhiều hiện vật liên quan đến chồng bà là liệt sĩ Nguyễn Mạnh Trọng, chiến sĩ chế độ Việt Nam Cộng hòa tử trận tại Hoàng Sa ngày 19/1/1974. Khi nghe tin chồng hy sinh, bà Lựa đang mang thai 6 tháng và bà quyết định đặt tên con là Nguyễn Hoàng Sa để tưởng nhớ người chồng của mình.

Hien tang nhieu hien vat, tu lieu quy ve chu quyen Hoang Sa - Anh 3

Bà Nguyễn Thị Lựa cùng con trai Nguyễn Hoàng Sa từ Cần Thơ ra Đà Nẵng trao tặng nhiều hiện vật quý cho UBND huyện Hoàng Sa. Ảnh: Tấn Việt.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, Nhà trưng bày Hoàng Sa sau khi hoàn thành vào cuối năm 2016 sẽ trưng bày những tư liệu lịch sử chứng minh chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với Hoàng Sa.

"Lãnh đạo TP Đà Nẵng đề nghị UBND huyện Hoàng Sa đôn đốc nhằm đưa Nhà trưng bày sớm đưa vào hoạt động như dự kiến. Đồng thời, đề nghị bà con, nhân dân trong và ngoài nước tích cực tham gia đóng góp nhiều tài liệu nhằm tăng chất lượng, sự phong phú của Nhà trưng bày Hoàng Sa. Chúng tôi cam kết gìn giữ các tư liệu, hiện vật bằng cả trái tim của mình" - ông Dũng phát biểu.

Tấn Việt

Đăng nhận xét